Nước Mỹ ngay từ những năm 1960 và đầu 1970 đã xảy ra một cuộc chia rẽ về tư tưởng giữa hai bên về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Một bên là những người dân yêu chuộng hòa bình, ủng hộ chấm dứt cuộc chiến và một bên là chính quyền Mỹ. Chính vì vậy, trong thời gian này phong trào biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đã diễn ra rầm rộ. Họ yêu cầu chính quyền Mỹ nhanh chóng rút toàn bộ binh lính về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại miền Nam Việt Nam.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1968, ứng cử viên Richard Nixon đã tranh cử với cương lĩnh hứa “hòa bình trong danh dự” cho Chiến tranh Việt Nam, rút dần quân Mỹ về nước. Mong muốn có một kết thúc danh dự cho cuộc chiến, người Mỹ đã bầu Nixon vào chức vụ và sau đó theo dõi và chờ đợi Nixon thực hiện lời hứa tranh cử của mình. Thực tế, khi công bố, kế hoạch của Nixon hóa ra là “Việt Nam hóa chiến tranh”, chuyển vai trò chiến đấu sang cho các lực lượng trung thành với chính quyền thân Mỹ ở Sài Gòn, trong khi vẫn tiến hành chiến dịch ném bom quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên khắp Việt Nam, Lào và Campuchia. Đến ngày 30/4/1970, Tổng thống Nixon tiến hành mở rộng quy mô chiến tranh, đưa quân đội Mỹ tiến sang Campuchia. Quyết định này gây tranh cãi lớn do Tổng thống Nixon phê chuẩn chiến dịch mà không thông báo cho Ngoại trưởng William Rogers hay Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird. Các quan chức trên, cùng với công chúng Mỹ chỉ biết về vụ xâm chiếm khi Nixon công khai trên truyền hình. Các thành viên Quốc hội Mỹ buộc tội Tổng thống mở rộng sự can dự của quân Mỹ trái phép khi không nhận được sự đồng ý của các nghị sĩ thông qua bỏ phiếu. Thất vọng và phẩn nộ trước quyết định này của Tổng thống, sinh viên nhiều trường đại học ở Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình với quy mô lớn.

Trước khi Tổng thống Nixon có thông báo chính thức về việc xâm chiếm Campuchia, tin đồn về việc Mỹ chiếm Campuchia đã làm bùng lên các cuộc biểu tình tại nhiều trường cao đẳng, đại học khắp nước. Tại đại học Kent (bang Ohio), biểu tình đã nổ ra vào ngày 1/5/1970. Vào thời điểm đó, các thành viên đội Vệ binh quốc gia đang làm nhiệm vụ trong vùng nên việc huy động diễn ra nhanh chóng. Khoảng 1.000 lính Vệ binh quốc gia đã có mặt tại trường Kent, khiến nơi này giống như khu chiến sự thay vì trường học. Đến ngày 4/5/1970, cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra, ban đầu mọi việc diễn ra trong hòa bình, các nhà hoạt động phát biểu bất chấp sự hiện diện của vệ binh quốc gia.

Ảnh: Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ tiến vào đại học Kent

 

Khi nhận được yêu cầu giải tán từ tướng Robert Canterbury thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia, những người biểu tình từ chối và bắt đầu ném gạch đá. Tướng Canterbury yêu cầu các binh sĩ lên đạn, bắn hơi cay vào đám đông.

Ảnh: Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ bắn đạn hơi cay vào sinh viên

 

Tiếp đó, các binh sĩ tiến lên, ép người biểu tình xuống sân bóng. Do sân bóng có hàng rào bao bọc, những người lính lọt vào giữa đám đông giận dữ và trở thành mục tiêu của gạch đá. Binh sĩ phải rút lên đồi và từ đây 28 binh sĩ bất ngờ quay lại, nổ súng. Một số người bắn chỉ thiên, một số chĩa thẳng vào đám đông người biểu tình.

Ảnh: Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ bắn vào đám đông sinh viên tại đại học Kent

 

Chỉ trong 13 giây, 67 viên đạn đã được bắn ra, giết chết 4 sinh viên và làm 9 người khác bị thương, một trong số đó bị liệt vĩnh viễn.

Ảnh: Một sinh viên Mỹ bị thương nặng do bị trúng đạn của lực lượng vệ binh quốc gia

 

Các sinh viên Allison Beth Krause, 19 tuổi, Jeffrey Glenn Miller, 20 tuổi và Sandra Lee Scheuer, 20 tuổi, chết ngay tại hiện trường, trong khi William Knox Schroeder, 19 tuổi, được tuyên bố đã chết tại Bệnh viện Robinson Memorial ở Ravenna gần đó.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên có sinh viên bị giết trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh trong lịch sử Hoa Kỳ, trở thành biểu tượng cho sự chia rẽ trong dư luận về chiến tranh nói chung và cuộc chiến ở Việt Nam nói riêng. Như các sử gia Nancy Zaroulis và Gerald Sullivan đã miêu tả trong cuốn “Ai đã lên tiếng” đã viết: “Đó là khoảnh khắc khi cả đất nước bị cuốn vào việc sử dụng vũ khí chiến tranh nhằm vào thanh niên, một khoảnh khắc khi tất cả bạo lực, sự hận thù và xung đột thế hệ của thập niên trước đã bị dồn nén trong 13 giây khi các lính Vệ binh quốc gia giận dữ và kiệt sức, có lẽ là hành động trong hoảng sợ và tức giận, đã nhằm vào những người chống lại họ và trả thù họ”. Vụ xả súng gây chết người đã gây ra sự phẫn nộ to lớn trong các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ.

Ảnh: Những sinh viên của đại học Kent đã thiệt mạng bởi sự đàn áp của lực lượng vệ binh quốc gia ngày 4/5/1970

 

John Filo, một sinh viên và là một nhiếp ảnh gia bán thời gian, đã chụp được bức ảnh cô gái Mary Ann Vecchio đang khóc và quỳ gối trước sinh viên Jeffrey Glenn Miller bị trọng thương. Bức ảnh của Filo đã được hãng thông tấn AP đưa tin và được in trên trang nhất của tờ New York Times. Nó tiếp tục giành được giải thưởng Pulitzer năm 1971 và kể từ đó đã trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng quốc gia đã mất trong giới trẻ. Bức ảnh cũng được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 100 bức ảnh ảnh hưởng nhất thế giới mọi thời đại.

Ảnh: Bức ảnh về sự kiện đàn áp diễn ra tại Đại học Kent của nhà nhiếp ảnh John Filo

 

Bức ảnh của John Filo đã gây xôn xao dư luận, sau khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và càng làm thổi bùng ngọn lửa phản chiến trong giới sinh viên Mỹ với các cuộc biểu tình diễn ra quy mô toàn nhằm yêu cầu chính chính quyền Mỹ nhanh chóng kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Làn sóng biểu tình đã có sự tham gia rộng rãi của đông đảo các sinh viên, cả các giảng viên và các nhân viên quản lý, dù trước đây họ không đồng tình về các hoạt động biểu tình trong trường đại học. Hơn 8 triệu sinh viên đã tham gia các cuộc đi bộ có tổ chức tại hàng trăm trường đại học, cao đẳng và trung học, đây là cuộc bãi công của sinh viên lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Tổng cộng 34 chủ tịch các trường đại học và cao đẳng đã gửi một lá thư công khai tới Tổng thống Nixon kêu gọi nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Cuộc biểu tình cũng thu hút các sinh viên từ các trường đại học công và tư, các trường trung học địa phương trong các cộng đồng lao động. Các cuộc biểu tình diễn ra đặc biệt dữ dội tại thủ đô Washington, D.C phản đối chiến tranh và việc giết hại những người biểu tình sinh viên không mang vũ khí. Tình hình căng thẳng đến mức Ray Price, người chuyên viết diễn văn cho Tổng thống Nixon từ năm 1969 đến năm 1974 đã phải thốt lên: “Thành phố là một trại vũ trang. Đám đông đang đập phá cửa sổ, rạch lốp xe, kéo những chiếc ô tô đang đậu vào các ngã tư... Đó không còn là cuộc biểu tình của sinh viên, đó là cuộc nội chiến”. Sự giận dữ cùng các hành động phản kháng, biểu tình của sinh viên sau những gì diễn ra tại Đại học Kent đã đẩy sự chia rẻ và mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam lên mức đỉnh điểm như lời nhận xét của Charles Colson (Cố vấn cho Tổng thống Nixon từ năm 1969 tới 1973): “Đây không thể là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đây không phải là nền dân chủ tự do vĩ đại nhất trên thế giới. Đây là một quốc gia đang chiến tranh với chính nó”.
Một báo cáo sau đó của Ủy ban Scranton (Ủy ban về xử lý bất ổn tại các trường đại học do Tổng thống Nixon thành lập trước đó) đã viết: “các sinh viên không biểu tình chống lại các trường đại học của họ, mà là họ đã thành công trong việc đưa các trường biểu tình chống lại một chính sách quốc gia”. Để ngăn điều đó tái diễn và đưa các trường đại học trở lại bình thường, các thành viên của ủy ban cùng đồng tình rằng “không có gì quan trọng hơn là chấm dứt chiến tranh”.

Chiến tranh Việt Nam cũng đã chấm dứt 5 năm sau đó nhưng nỗi đau trong lòng một thế hệ sinh viên nước Mỹ thì vẫn còn kéo dài dai dẳng cho đến tận ngày hôm nay.