Phần 2: Gia tăng cố vấn quân sự Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Lo sợ nguy cơ sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chính phủ Mỹ ngày càng tăng cường lực lượng cố vấn quân sự và vũ khí trang thiết bị quân sự hiện đại cho miền Nam Việt Nam.
Tháng 12.1961, 33 trực thăng CH-21C được đưa đến sài Gòn. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Năm 1963, MACV có 17.068 cố vấn Mỹ, trong đó, 10.916 thuộc lục quân. Số còn lại là lực lượng không quân và hậu cần, vì Sư đoàn không quân số 2 của Mỹ vẫn có nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1964, MACV có 23.000 cố vấn Mỹ (16.000 lục quân và hậu cần). Lục quân trực thuộc Bộ chỉ huy đóng ở Okinawa và Mỹ. Thủy quân lục chiến phụ thuộc Bộ chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa và Nhật Bản. Hải quân phụ thuộc Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ ở Philippin và Hawai. Không quân phụ thuộc Bộ chỉ huy Không quân Mỹ ở Philippin.
Thực chất ban đầu, MACV là một cơ quan độc lập với MAAG, đến ngày 15/5/1964, MAAG sáp nhập với MACV để trở thành một cơ quan chỉ huy thống nhất về viện trợ, cố vấn và là cơ quan chỉ huy quân sự cao nhất của Hoa Kỳ với mục đích xa hơn nữa là sẽ tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam.
Các đơn vị trực thuộc MACV:
- Bộ chỉ huy Lục quân (United States Army Vietnam – USARV)
- Bộ tư lệnh Hải quân (Naval Forces Vietnam – NAVFORV)
- Không lực 7 (Seventh Air Force – 7AF)
- Lực lượng Thủy bộ số 3 (III Marine Amphibious Force – III MAF)
- Lực lượng dã chiến số 1 (I Field Force, Vietnam – I FFV)
- Lực lượng dã chiến số 2 (II Field Force, Vietnam – II FFV)
- Quân đoàn 24 (XXIV Corps)
- Lực lượng đặc biệt số 5 (5th Special Forces Group)
- Cơ quan Điều phối Dân sự Vụ và Phát triển Nông thôn (Civil Operations and Rural Development Support – CORDS)
- Nhóm nghiên cứu và quan sát (Studies and Observations Group – SOG)
Bên cạnh đó còn có 15 hệ thống hậu cần riêng để tiếp tế cho 150 khu vực đóng quân Mỹ. Sau khi Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3 đổ bộ vào Đà Nẵng cùng với 10.000 cố vấn ở khắp miền Nam Việt Nam, từ tháng 3/1964, MACV thấy cần thiết phải thành lập một hệ thống chỉ huy hậu cần ở Nam Việt Nam.
Lực lượng của MACV bao gồm: tập đoàn không quân số 7, lực lượng thủy bộ 3, cụm lực lượng đặc biệt 5, lực lượng dã chiến 1 và 2, Quân đoàn 24 và nhiều lực lượng hỗn hợp điều hành các chương trình bình định ở miền Nam.
Bốn tướng đã từng chỉ huy MACV từ năm 1962 đến năm 1973 là Paul Harkins, William Westmoreland, Creigh Abrams và Frederick Weyand.
1. Bộ tư lệnh MACV gồm có tư lệnh; tư lệnh phó 1 giúp tư lệnh chung về các mặt; tư lệnh phó 2 đặc trách bình định nông thôn; tư lệnh phó 3 đặc trách hoạt động của không quân và tham mưu trưởng phụ trách cơ quan tham mưu
Bộ chỉ huy quân sự MACV tại Tân Sơn Nhất. Nguồn:https://www.pinterest.com/pin/502362533428275558/
Trong Bộ Tư lệnh còn có Tòa án quân sự, Phòng cố vấn khoa học; Cơ quan nghiên cứu phát triển chiến, kỹ thuật và ba phòng: thông tin, thanh tra, tham mưu. Bộ Tư lệnh MACV chỉ huy các khối: khối tham mưu (Bộ tham mưu); Khối lực lượng (các bộ tư lệnh); Khối lực lượng Đồng minh tham chiến tại miền Nam Việt Nam; Khối lực lượng yểm trợ (hiệp đồng).
Riêng Bộ tham mưu được Mỹ thành lập mang tính chất quốc tế để chỉ huy lực lượng quân Đồng minh và quân đội Việt Nam Cộng hòa cho có vẻ bình đẳng và để tránh bị lên án các đội quân trên là tay sai của Mỹ.
2. Bộ tham mưu MACV:
Chỉ huy của Bộ tham mưu MACV là các Trung tướng. Tổ chức của Bộ tham mưu MACV gồm các đơn vị:
- J1 – phụ tá tham mưu trưởng về quân lực (chỉ huy – thiếu tướng) phụ trách bốn phòng quân lực, dân sự, phúc lợi và cố vấn.
- J2 – phụ tá tham mưu trưởng về tình báo (chỉ huy – thiếu tướng), phụ trách năm phòng sưu tầm, nghiên cứu, kế hoạch, xử lý và huấn luyện.
- J3 – phụ trách tham mưu trưởng về tác chiến (chỉ huy – trung tướng); gồm trung tâm hành quân và chín phòng.
- J4 – phụ Tá tham mưu trưởng về hậu cần (chỉ huy – trung tướng); phụ trách năm phòng gồm phòng vật tư, vận tải, kế hoạch, cung ứng, hành chính.
- J5 – phụ tá tham mưu trưởng về kế hoạch (chỉ huy – trung tướng), phụ trách ba phòng về Mỹ, Việt Nam và kế hoạch đặc biệt.
- J6 – phụ tá về truyền tin điện tử (chỉ huy – thiếu tướng) phụ trách ba phòng gồm kế hoạch, truyền tin và cố vấn.
- Phụ tá tham mưu trưởng về bình định (chỉ huy là một quan chức dân sự) gồm các phòng: nghiên cứu, yểm trợ, kế hoạch, an ninh lãnh thổ, phát triển nông thôn, phượng hoàng, cựu chiến binh, chiêu hồi và báo chí.
- Phụ tá tham mưu trưởng về viện trợ quân sự (chỉ huy – thiếu tướng) gồm bốn phòng: tổ chức, kế hoạch, thống kê và cố vấn.
- Cục Quân huấn (chỉ huy – thiếu tướng) gồm bốn phòng: kế hoạch, yểm trợ, nhà trường và trung tâm huấn luyện.
Ngoài ra, Bộ tham mưu MACV còn có chín phòng trực thuộc khác là tài vụ, tổng quản trị, tuyên úy, nha khoa, hiến binh, thế giới quân viện, quản lý số liệu, nghiên cứu và kiểm tra.
(còn tiếp...)
Người viết : Biện Thu Ngần