“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

Tiếng hát con tàu - Tế Hanh

Tình yêu là cá nhân, là riêng tư. Nhưng trong thời chiến, những chàng trai, cô gái thuộc nhiều thành phần khác nhau: sinh viên, bộ đội, bác sĩ, nông dân,…đã hòa tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa vào tình yêu quê hương đất nước qua những trang thư. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, nhiều gia đình đã được đoàn tụ, song cũng có những “chàng trai, cô gái” mãi nằm lại. Thư thời chiến vì thế trở thành những ký ức đẹp, những kỷ vật rất thiêng liêng còn lưu giữ lại khi họ nghĩ về nhau, đồng thời là nguồn tư liệu lịch sử quý giá để thế hệ sau hiểu thêm về một thời kỳ khói lửa chiến tranh.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một phần nhỏ từ nguồn tư liệu đặc biệt này nhé!

Thư thời chiến vốn khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, ai cũng viết thư, ở đâu cũng viết thư, dù đến được hay không đến được cũng vẫn viết thư. Những bức thư từ tiền tuyến đến hậu phương đều thấm đượm tình cảm và khát vọng hòa bình. Cha mẹ và con cái hay anh chị em, vợ chồng đều viết thư cho nhau như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày thời khói lửa chiến tranh. Có những bức thư viết vội “đang viết thì địch đến ném bom, phải ngừng vài phút, bây giờ lại tiếp tục… Em đã mở to tròn con mắt, đã biết suy nghĩ rồi. Em hiểu nhiệm vụ của một người lính tiền phong và cố thực hiện cho bằng được. Em đã hiểu lẽ sống hơn…”.

Hay dòng tâm sự cuối cùng của Liệt sĩ Trần Đô viết vội gửi cho người vợ ở quê nhà  khi đang chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên: “Anh muốn cùng em tâm sự trong giờ phút thiêng liêng này để xác định cho anh tư tưởng của người chiến sĩ cộng sản, sẵn sàng xả thân cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng và cho cả hạnh phúc của em và con nữa. Nếu có hy sinh thì cũng đã làm xong mọi việc đối với tổ quốc, dân tộc…”. Từ sau Tết Mậu thân năm 1968, chị Nga vợ anh đã không còn nhận được một lá thư nào của chồng nữa. Đêm đêm, chị viết những lá thư dài cho anh, thư đi thì có nhưng thư lại thì không. Cuối năm 1970, đơn vị anh mới gửi giấy bảo tử về: đồng chí Trần Đô – Trung tá, hy sinh ngày 15/02/1968 khi đi làm nhiệm vụ tại mặt trận Bình Trị Thiên.

Cũng có những bức thư kể chuyện đời lính của người con lần đầu xa gia đình “Con vẫn luôn mạnh khỏe. Báo cho ba biết: vừa rồi xạ kích bài 1, con bắn 3 viên vào bia, một viên trúng vòng 10, một viên vòng 9, một viên vòng 8, cộng lại được 27 điểm. Đồng chí Chính trị viên lên gắn hoa hồng, phút giây sung sướng nhất đời con là lúc ấy ba ạ…”.

Và có lẽ, thư thời chiến về tình yêu đôi lứa luôn là nguồn cảm xúc dạt dào nhất “Em thân yêu…Hiện nay do điều kiện còn nhiều khó khăn, chúng ta chưa thực hiện được những điều mong muốn. Nhưng hạnh phúc của chúng ta đâu chỉ ngày hôm nay và sự hy sinh của chúng ta đâu chỉ đem lại hạnh phúc cho riêng mình.” – Hay “…Giữa cái riêng và cái chung không thể lẫn lộn. Nhưng hình như mình vẫn thiếu một cái gì đó đối với quê hương và gia đình. Cảm ơn anh đã đem đến cho em nhiều sự thông cảm…Em tin mình sẽ nhanh chóng hồi phục, để sớm có thể được sống gần nhau.”

Có những dòng thư không chỉ thể hiện tình yêu lứa đôi mà hòa trong đó là tình yêu cao đẹp đối với quê hương đất nước, như thư người chồng gửi vợ báo tin vui trong ngày thống nhất. “Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng… Nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký hai tháng qua, bây giờ phải giành thì giờ để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống để sau này anh về kể lại để em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó...”“Em mừng quá sức, từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và vui mừng vô hạn. Tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh…. Từ nay em đã bớt đi một phần lo lắng. Cái lo lắng thường xuyên hơn cơm bữa…. Giá trị của độc lập, hòa bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ...”.

Nhắc đến thư, người ta thường liên tưởng đến giấy, viết, nhưng thư thời chiến không chỉ được gửi gắm qua những trang giấy, mà có khi trên những mảnh vải quần, áo và cả ở những bức tranh thêu.

Có thể thấy ở “lá thư” họa sĩ Lê Điều gửi gắm cho vợ - bà Tống Thị Ba qua bức tranh “Hoa sen” mà ở đó, ông nhắn nhủ với vợ rằng mình vẫn giữ gìn được khí tiết của một chiến sĩ cách mạng và ca ngợi tấm lòng thủy chung chờ chồng của vợ, nuôi con trước bao nhiêu thử thách, cám dỗ bên ngoài. . .

Có những “lá thư” được người tù chính trị thêu trên áo gối, khăn như một món quà tặng gia đình nhưng lại gửi gắm trong đó nhiều ý nghĩa thâm thúy, sâu sắc… như lời nhắn nhủ của nữ cựu tù chính trị Phạm Lệ Tâm “Em thương! Chị đặt hết niềm tin nơi em – Thay thế chị nuôi dưỡng Mẹ Cha – Đến ngày thống nhất nước nhà – Mẹ Cha khỏe mạnh, gia đình đoàn viên”.

Thời chiến - không chỉ có bom đạn và hy sinh, tình yêu của họ được ươm mầm trong xa cách, chia ly, kết hợp hài hòa giữa cá nhân, riêng tư với quê hương, đất nước. Những lá thư viết vội, bức tranh thêu dù đã ngả vàng, cũ kĩ, tưởng chừng như đã lạc hậu nhưng nó mãi không phai màu trong ký ức của mỗi người.