Sau 9 năm gian khổ kháng chiến, đến năm 1954, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa câu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đội quân "thuộc địa” đánh bại một đội quân nhà nghề châu Âu như nhận xét của sử gia người Anh M.Uyn-râu: “Lần đầu tiên một phong trào độc lập ngoài châu Âu phát triên từ lực lượng du kích đã đánh bại một quốc gia xâm lược Châu Âu trong một trận chiến”.

Chiến thắng ấy không chỉ có ý nghĩa lớn lao với dân tộc Việt Nam mà là một sự động viên, cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân các nước thuộc địa khác trên thế giới trong hành trình chiến đấu chống quân xâm lược, tìm kiếm nên độc lập cho dân tộc mình như lời nhận xét của thiếu tướng Kiangiáp (Miến Điện): “Khi bọn đế quốc đang bối rối ở Điện Biên Phủ, chúng tôi có thời cơ thuận lợi đề tiêu diệt Quốc dân Đảng hoạt động dưới cùng một chiến lược của đế quốc chủ nô. Cho nên chiến thắng Điện Biên Phủ không những khuyến khích chúng tôi về tinh thần mà còn giúp chúng tôi phải chịu ơn nhân dân Việt Nam dũng cảm”.

Ảnh : Quân đội nhân dân Việt Nam cấm lá cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954.

 

Với "niềm cảm hứng” mang tên Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa ở nhiều nơi đã đứng lên đánh đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước mà trước tiên là ở những nước đang bị thực dân Pháp cai trị ở Phi Châu. Sau trận Điện Biên Phủ, những người lính châu Phi hồi hương mang theo bài học về cuộc chiến tranh Việt Nam; nhiều người trong số họ đã trở thành chiến sĩ, người lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở quê hương mình như trường hợp của binh sĩ Slimane Hoffman. Ông là một trung úy người Algeria phục vụ trong quân đội Pháp, sau chiến dịch Điện Biên Phủ đã đã xin gia nhập hàng ngũ Việt Minh, nhưng đã được khuyên rằng: “Chúng tôi đã làm nghĩa vụ cho đt nước chúng tôi. Các bạn cũng có Tổ quốc, hãy làm nghĩa vụ cho đất nước của các bạn”.

Nước đi đầu trong phong trào này là Algieri. Sớm bị chủ nghĩa thực dân thống trị, đàn áp từ năm 1830, nhân dân Algieri luôn sống trong cảnh lầm than cơ cực. Các phong trào đấu tranh cũng dấy lên nhưng với quy mô nhỏ, rời rạc không đem đến hiệu quả. Và Algieri đã tìm cho mình con đường đi đúng đắn để giành độc lập cho dân tộc từ chính thắng lợi của Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 11/1954, các chiến sĩ Algieri đã nổ phát súng cách mạng đầu tiên phát động khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc trong 8 năm cho Nhân dân mình. Phong trào giải phóng dân tộc Algieri phát triển mạnh, mặt trận giải phóng dân tộc (FLN) lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, nổi dậy và sau đó đã biến thành một cuộc chiến tranh vũ trang trường kỳ, gian khổ trong suốt 8 năm. Năm 1958, một phái đoàn quân đội Algeria cũng từng sang Việt Nam và được Bác Hồ tiếp đón thịnh tình, chu đáo. Đến cuối năm 1962, Nhân dân Algieri đã buộc Chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt nền thống trị 132 năm của chủ nghĩa thực dân ở đây. Đánh giá về điều này, Abdelkader Bensalah - Chủ tịch Thượng viện Algieri cho rằng: “Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của Nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiên giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi Nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algieri lại không thể ?”.

Ảnh : Báo Người Paris số ra ngày 8-5-1954 đưa tin Điện Biên Phủ thất thủ.

 

Như một phản ứng dây chuyền lan đi khắp thế giới, tiếp theo Algérie, một loạt các nước thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như Ma-rốc, Tuy-ni-di, Ghi-nê, Ma-li, Ma-đa-ga-xca, Ca-mơ-run... đã nổi dậy một cách mạnh mẽ, ào ạt và nhanh chóng, buộc Thực dân Pháp không còn con đường nào khác là phải trao trả nền độc lập cho các nước này. Chỉ tính riêng trong năm 1960, 17 nước đã giành được độc lập, thế giới còn gọi là "năm Châu Phi” Đó là tất cả các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi và châu Phi xích đạo, Mađagaxca, là các lãnh thổ bảo hộ của Pháp; Tôgô và Camơrun, là Nigiêria thuộc Anh, Cônggô thuộc Bỉ, là Xômali thuộc Anh và Xômali nằm dưới quyền bảo hộ của Italia cũng được thống nhất lại và tuyên bố thành lập nước cộng hòa. Cùng với việc giành độc lập dân tộc, trong năm 1960, hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công đòi nâng cao mức sống cho công nhân, chống phân biệt chủng tộc đã nổ ra ở Nam Phi, Kênia, Uganđa, Tandania, Rôđêdia, v.v... Cao trào cách mạng dâng cao mạnh mẽ càng làm cho nhịp độ sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân diễn ra nhanh chóng hơn. Nếu như trước Chiến tranh thế giới thứ hai, "lục địa đen” chỉ có hai nước Etôpia và Libêria được trao trả độc lập trên danh nghĩa, thì đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi với mức độ độc lập khác nhau.

Đối với các nước ở Mỹ La-tinh Điện Biên Phủ như một sự “soi rọi”, là “kim chỉ nam hành động”. Nhà thơ yêu nước của quốc đảo Ha-i-ti, Rơ-nê Đê-pê-xtơ-rơ đánh giá: “... Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ. Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần quang vinh đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đề quốc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chúng tôi. Ngày nay, sự thức tỉnh rực rỡ của các dân tộc ở châu Mỹ La-tinh, với Cu-ba là đội tiên phong, đang đi theo đường bay sáng ngời của Điện Biên Phủ. Các bạn Cu-ba luôn coi: “Thắng lợi của Việt Nam đã là một hy vọng to lớn và tươi sáng cho chúng tôi, đã cổ vũ chúng tôi chiến đấu”.

Điện Biên Phủ là "mồi thuốc dẫn” cho sự bùng nổ của phong trào giải phóng dân tộc ở các quốc gia khu vực Mỹ Latinh, tiếp thêm sức mạnh cho họ đứng lên chống lại chế độ độc tài thân Mỹ với hàng loạt cuộc bãi công, biểu tình, đấu tranh đòi thành lập các chính phủ tiến bộ, cùng với đó là các cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra liên tục, mạnh mẽ tạo thêm nhiều "Điện Biên Phủ của châu Mỹ Latinh” biến châu lục này lục địa bùng cháy”. Bằng các hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng, nhiều nước châu Mỹ Latinh như Bolivia, Venezuela, Colombia, Peru... đã lật đổ chính quyền độc tài phản động, thành lập các chính phủ dân tộc, dân chủ, giành lại quyền tự quyết dân tộc. Với việc công nhận nền độc lập của hàng loạt quốc gia ở các châu Á, Phi, Mỹ Latinh, các nước đế quốc phương Tây phải thừa nhận sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Ký giả người Pháp Jules Roy cũng đã ghi nhận về tác động của trận Điện Biên Phủ: "Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”.

Có thể nói phong trào đấu tranh đòi tự do, độc lập từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã đánh đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc ở hầu khắp các nước trên thế giới. Dù trực tiếp hay gián tiếp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và con đường giành lấy độc lập tự do của nhân dân Việt Nam đã khích lệ, góp thêm niêm tin, mở ra một tương lai tươi sáng cho phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.

Nguyễn Trọng Minh

Người dân Algeria mừng ngày độc lập 5/7/1962

 

Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong buổi diễu hành chiến thắng ở Quảng trường thủ đô La Habana năm 1959