Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng một nền y học Việt Nam vững mạnh và toàn diện, trong đó vấn đề y đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người luôn quan tâm đến sức khỏe của nhân dân, ngành Y và người thầy thuốc bởi ngành Y nói chung, thầy thuốc nói riêng có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Ngày 27/02/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị với những lời dạy quý báu.

Trong thư, Người đã nhắn nhủ trách nhiệm của cán bộ y tế phải: “Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng!”.

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955.

 

Trong những năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, Quân đội Nhân dân Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật lực, quân lực và kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường có địa hình và thời tiết khắc nghiệt. Lúc này, nhiệm vụ đặt ra đối với quân y là phải đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, dân công và nhanh chóng trả lại quân số chiến đấu cho các đơn vị ngay tại mặt trận. Trung ương đã cử các thầy thuốc nổi tiếng như Bác sĩ - Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đình Tụng, Bác sĩ - Thứ trưởng Bộ Y tế Tôn Thất Tùng tham gia chiến dịch và trực tiếp phẫu thuật cho thương binh ngay tại mặt trận. Có những trường hợp hiểm nghèo vượt quá khả năng, quân y Việt Nam đã bố trí những trạm trung chuyển ở nhiều tuyến để xử lý vết thương một cách tối ưu, đảm bảo có thể vận chuyển an toàn về hậu phương để chữa trị. Lực lượng quân y cũng tham gia vào việc vận chuyển thương binh, vừa chăm sóc, vừa điều trị cho thương binh, trong nhiều hoàn cảnh họ an ủi, động viên tinh thần bộ đội. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các bác sĩ, y tá vẫn tiếp tục cứu chữa cho thương binh Pháp cho đến khi chuyển về các trại tập trung ở đồng bằng chờ ngày trao trả . 

Những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến, ở các tuyến đầu hoặc ở hậu phương, đội ngũ bác sĩ vẫn không quên nhiệm vụ đào tạo tầng lớp kế cận, tích cực, chủ động tìm tòi, học hỏi và truyền đạt lại kinh nghiệm cho nhau. Mặc dù thời kỳ này việc tập trung toàn bộ nguồn nhân tài, vật lực phục vụ cho tiền tuyến được đặt lên hàng đầu, nhưng trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngành Y tế vẫn không ngừng phát triển, đảm bảo tốt việc chăm sóc thương bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh. Thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong thời kỳ này là sản xuất được các loại vắc xin phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ. Năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được kháng sinh peniciline.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Quân y Hải Phòng (5/1957).

Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngành Y tế của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và kỹ thuật điều trị, cấp cứu thương binh, bệnh binh và nạn nhân trong thời chiến, các cơ sở y tế quan trọng bị tàn phá nặng nề. Ngành Y tế một lần nữa lại phải tập trung xây dựng và phát triển, tăng cường cán bộ cho cơ sở ở khu vực nông thôn, bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân miền Bắc. Song song đó là việc chi viện cho tiền tuyến miền Nam: nhiều sinh viên y khoa mới ra trường đã xung phong vượt Trường Sơn vào phục vụ ở các chiến trường, hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước .

Khi chính phủ Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hàng ngàn máy bay, bắt giữ gần 500 phi công Mỹ, một số phi công Mỹ đã bị tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Có lẽ, ít có cuộc chiến tranh nào, các tù binh phi công Mỹ lại được đối xử tử tế như trong chiến tranh xâm lược Việt Nam sau khi họ bị bắt. Trên tinh thần khoan hồng và nhân đạo, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các tù binh phi công Mỹ ở nhà tù Hỏa Lò được hưởng chế độ ăn uống và được chăm sóc sức khỏe chu đáo trong điều kiện thời chiến cho phép, với những người gầy yếu hoặc ốm đau sẽ được ban chỉ huy trại quyết định cho ăn chế độ đặc biệt hơn. Bên cạnh đó, tù binh phi công Mỹ còn được tổ chức vui chơi giải trí, được ra sân phơi nắng, chơi bóng chuyền, bóng rổ, chọc bi-a, đọc sách báo, nghe tin tức – kể cả tin tức của Mỹ và phương Tây – qua đài phát thanh mà trại tiếp âm, hoặc chọn những tù binh có giọng đọc tốt để đọc cho tất cả cùng nghe. Giải thích cho chế độ đặc cách với tù binh phi công Mỹ, cấp trên giải thích: tù binh phi công Mỹ là “vốn quý” và “tài sản” để sau này Việt Nam có thể đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với đối phương. Cán bộ chiến sĩ của trại phải xác định rõ: chăm sóc đảm bảo tốt sức khỏe cho tù binh phi công cũng là một nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài được tận tình cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các tù binh phi công đã được những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện Quân y 108, 103, 354 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đến khám và chữa bệnh theo định kỳ. Vì vậy, khác với ban đầu họ xuống tinh thần lúc bị bắt, khi đã vào trại Hỏa Lò hầu hết các tù binh phi công Mỹ đều ổn định tinh thần và sức khỏe hồi phục rất nhanh. Nhiều người đã có ý thức tập luyện thể thao để thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới, giữ gìn sức khỏe để đợi ngày được trao trả về nước.

Các bác sỹ Quân y điều trị vết thương cho John Mc.Cain – phi công Mỹ bị bắt tại hồ Trúc Bạch, Hà Nội, ngày 26/10/1967.

Đến hôm nay, làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến cam go, khổ cực chống Pháp và Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cả trong thời bình, dựng xây quê hương, đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành Y tế trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng và mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử ghi danh những chiến binh áo trắng đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến và có biết bao người đã để lại một phần máu xương của mình hay vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đất nước hòa bình, các chiến binh áo trắng lại tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, kể cả đồng bào ở những miền núi cao hay nơi hải đảo xa xôi.

Nhìn lại hơn hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và tại Việt Nam, những “chiến binh áo trắng” lại tiếp tục hy sinh với tấm lòng quả cảm, nhân ái và cả y đức. Hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương. Các cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ tại các cơ sở y tế, các khu cách ly trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những người thầy thuốc đã hy sinh bản thân thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa chiến đấu trên mặt trận chống bom đạn vừa chăm sóc các bệnh nhân tù binh phi công. Thế nhưng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hôm nay, các y bác sĩ cũng một lần nữa lại tiếp tục mang trên mình trọng trách và sứ mệnh phải đối mặt với mặt trận không tiếng súng này, họ luôn sát cánh cùng người bệnh, luôn vì cộng đồng trong mọi tình huống, mọi phương diện là cầu nối tiếp cận những kiến thức y học của thế giới để mang thông tin sức khỏe chuẩn xác, hữu ích đến với nhiều người bệnh nhất có thể kịp thời chữa trị cứu sống các bệnh nhân.

Xúc động trước những tâm huyết, sự dũng cảm của đội ngũ y, bác sỹ trong công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua và để vinh danh đội ngũ y bác sĩ trong thời bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong Chương trình kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2022: “Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả “Lương y như từ mẫu” để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần  xây dựng Dân tộc khỏe mạnh, Đất nước phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng!”.

Lực lượng từ nhiều bệnh viện cả nước hỗ trợ chống dịch tại miền Nam.