Nhằm sơ kết kinh nghiệm tổ chức chương trình giao lưu "Ông - Bà - Cháu cùng đến với Bảo tàng" từ 2011-2016 như một chính sách công chúng của Bảo tàng hướng dẫn đối tượng là các gia đình Việt Nam. Qua đó trao đổi, tiếp thu những đánh giá từ các đơn vị, gia đình, cá nhân tham gia phối hợp thực hiện chương trình để hoàn thiện trong tương lai. Sáng ngày 27/6/2017, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức tọa đàm sơ kết, đánh giá.

Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của các gia đình đã từng tham gia. Thông qua các ý kiến trao đổi, đánh giá của các gia đình, chương trình cần tiếp tục duy trì và mở rộng hình thức trong tương lai để ngày càng hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng đến với bảo tàng.

 

 

 

Chương trình “Ông – Bà – Cháu cùng đến với bảo tàng” đã được tổ chức từ năm 2011, đến nay đã trải qua 6 lần tổ chức. Là một người đã từng tham gia chương trình 3 lần, tôi nhận thấy một số điều như sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề  “cơm –áo –gạo –tiền” chi phối rất nhiều mặt của đời sống, khi vấn đề kinh tế được đặt trên vấn đề văn hóa và giáo dục, khi số lượng các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau ngày càng giảm đi thì Chương trình “Ông – Bà – Cháu cùng đến với bảo tàng” do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức là một chương trình rất đáng quý và trân trọng, có ý nghĩa rất nhân văn và sâu sắc, khơi gợi lại những truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam.

Thứ hai, chương trình là một cầu nối giúp các thế hệ trong gia đình càng thêm gắn kết với nhau. Khi tham gia chương trình, các thành viên trong gia đình càng hiểu nhau nhiều hơn. Đây cũng là một hình thức vừa học, vừa chơi, giúp tăng tình đoàn kết, yêu thương trong gia đình. Thông qua các câu chuyện kể của ông, bà trong chiến tranh, các con, cháu sẽ hiểu thêm về ông, bà mình và càng thêm yêu kính ông bà. Đồng thời, chương trình cũng là một dịp để các thế hệ trong một gia đình thể hiện sự “đặc sắc” của gia đình mình, thể hiện những khả năng, sự tự tin, sự hiểu biết của từng thế hệ trong quá trình tham gia các hoạt động.

Thứ ba, chương trình đã tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình tìm hiểu về bảo tàng và các kiến thức về bảo tồn văn hóa dân tộc, kiến thức lịch sử, bồi đắp thêm lòng yêu nước. Trong thời gian vừa qua, chương trình cũng đã tạo được sự kết nối rất gần gũi và gắn bó thân thiết giữa gia đình với bảo tàng, nhất là việc thông qua những người con nuôi là nhân viên của bảo tàng. Gia đình chúng tôi thì cho tới hiện nay vẫn giữ liên lạc và vẫn thường xuyên gặp lại “con nuôi”.

Thứ tư, đối với riêng gia đình tôi, tôi từng là Cộng tác viên của Bảo tàng nên ít nhiều đã được tiếp xúc và đã có mối gắn kết trước đó với Bảo tàng nên trong quá trình tham gia chương trình không gặp nhiều khó khăn hay bỡ ngỡ. Gia đình tôi từng tham gia chương trình 3 lần, tôi nhận thấy mỗi năm chương trình lại có những hình thức giao lưu khác nhau, đối tượng khác nhau, rất phong phú và đa dạng, không gây nhàm chán cho người tham gia. Tôi nhận thấy được sự sáng tạo và tâm huyết đối với công việc, sự trách nhiệm đối với cộng đồng của tập thể CBVC –NLĐ của bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nói chung và lãnh đạo Bảo tàng nói riêng.

 

 

 

 

Như vậy, có thể nói rằng, mối quan hệ giữa gia đình và Bảo tàng thông qua chương trình “Ông -Bà - Cháu cùng đến với bảo tàng” là mối quan hệ hai chiều. Tôi nghĩ, đây là một mô hình hay, có ý nghĩa nhân văn đối với cộng đồng cần được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh duy trì trong các năm tiếp theo và nhân rộng đến nhiều bảo tàng khác trong thành phố để tạo ra một sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho các thành viên trong gia đình, nhất là trong dịp hè. Tôi cũng mong muốn chương trình được tổ chức từ 2-3 lần trong một năm để có thêm nhiều gia đình hơn nữa có thể cùng nhau đến Bảo tàng, học hỏi, giao lưu và ngày càng đoàn kết, yêu thương nhau hơn.