Đối với một số người, khái niệm “tâm dịch” có thể đem đến cảm giác sợ hãi, lo âu thì với nhiều người trẻ mang trong mình tinh thần tình nguyện và khát khao cống hiến, “tâm dịch” lại là nơi để họ tìm thấy nhau và viết lên câu chuyện tình lãng mạn của cuộc đời mình. Những câu chuyện tình đó thường khởi đầu khá bẽn lẽn, rụt rè nhưng càng về sau lại càng trở nên lắng sâu và cháy bỏng. Họ - những chiến binh thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch đã được tơ hồng se duyên trong hoàn cảnh đặc biệt.

Trong những ngày tháng đau thương và mất mát ấy, tại những nơi là điểm nóng của dịch bệnh vẫn luôn ánh lên những niềm lạc quan và hy vọng. Những câu chuyện về tình yêu của người lính ở ngay trong tâm dịch chính là một minh chứng sinh động cho điều đó. Còn gì hạnh phúc hơn khi chiến đấu với đại dịch bằng sứ mệnh của trái tim hòa quyện với tình yêu đôi lứa. Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi tình yêu quê hương đất nước kết hợp với lòng nhân ái, thiện nguyện đã trở thành chất xúc tác cho tình cảm đôi bên cùng nảy nở. Tình yêu của người lính trong thời dịch bệnh cũng đã bắt đầu như thế.

Những hy sinh của người lính cho sự yên bình, hạnh phúc của đất nước và người dân, dù trong thời điểm nào cũng luôn là những câu chuyện đẹp đáng được truyền tải và trân trọng. Chính vì vậy, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã xây dựng chuyên đề triển lãm lưu động “Người chiến sĩ hôm nay” như một lời tri ân đến những người lính đã và đang thầm lặng xếp chặt tình cảm cá nhân hay mong ước rất đời thường của mình về phía sau, để người dân được sống cuộc sống bình yên, hạnh phúc.