Theo Từ điển Bách khoa, máy chém được sử dụng ở thế kỷ XVI ở miền Nam nước Pháp và ở Ý. Có lẽ ban đầu máy chém còn quá thô sơ nên sau này Joshep - Ignace Guillotin, một bác sĩ người Pháp đã đề nghị Quốc hội Pháp cho sản xuất loại máy chém nhằm rút ngắn thời gian và giảm bớt sự đau đớn cho người bị chém. Vào cuối năm 1791, Ủy ban Pháp chế của Pháp đã giao cho bác sĩ Louis nghiên cứu và chế tạo một cái máy chém hoàn chỉnh hơn để chém đầu tội phạm. Từ lời đề nghị của Guillotin nên người ta mới đặt tên cho chiếc máy chém mới này là Guillotine. Máy chém Guillotine được dùng ở Pháp từ năm 1792 để xử tội tử hình tù nhân. Joshep Guillotin từng phát biểu: “Với cái máy này, đầu bạn sẽ rời khỏi cổ trong chớp mắt và bạn sẽ không cảm thấy đau đớn gì”. Trong khoảng 200 năm tồn tại, máy chém đã thi hành án tử hình với hàng chục ngàn tử tù.

Tại Việt Nam, máy chém được thực dân Pháp đưa sang từ cuối thế kỷ XIX để hành quyết những tội phạm chính trị và hình sự đại hình, tổng số phạm nhân đã bị hành quyết bằng máy chém dưới thời Pháp thuộc khoảng 150 người.

Máy chém là một dụng cụ đặc biệt để hành hình người bị án chém gồm có khung máy chém cao 3,8m, ngang 70cm, phần đế hình chữ thập để giữ cho khung được vững, mỗi cạnh có chiều dài 2,4m, trên bệ có hai thanh cứng dựng song song, có lưỡi dao sắc hình thang nâng lên hạ xuếng đơn giản bằng một nút bấm. Ròng rọc được đặt trên thanh ngang của máy chém để điều chỉnh dây thừng và lưỡi dao khi chém đầu tử tội. Những bộ phận rời khác gồm có thùng đựng đầu nạn nhân và thùng đựng thi hài nạn nhân.

Người trực tiếp hành quyết tử tội thường gọi là đao phủ thủ. Ở Việt Nam, từ thời Pháp hay gọi là “đội” đi kèm với tên người đó (đội Lê, đội Phước, ...). Riêng tại Nam kỳ, (theo hồ sơ khoa học về hiện vật máy chém lưu trữ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh) có:

- Từ 1872-1886: đội Lê

- Từ 1887-1919: đội Nho

- Từ 1919-1924: đội Nho (chính), đội Phước (tập sự)

- Từ 1924-1958: đội Phước

- Năm 1959: Phan Văn Phối, giám thị nhà giam Chí Hòa

- Năm 1960: Lê Văn Định, giám thị nhà giam Cần Thơ (được điều động lên Sài Gòn đề xử tử tội Hoàng Lê Kha)

Theo tài liệu ghi chép phỏng vấn nhân chứng đội Phước còn lưu trữ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, có mô tả một sô thông tin vê máy chém và việc xử chém như sau:

- Máy chém có 2 lưỡi dao, lưỡi dao thường được mài lại tại xưởng Ba Son trước khi chém.

- Mỗi lần chém, nếu nạn nhân có theo đạo, thì có nhà sư hoặc linh mục đến tụng kinh.

- Tử tội được cho ăn một bữa ăn ngon cuối cùng trước khi bị chém.

- Lúc xử chém, đại diện pháp lý mặc đồ tây không có đội mũ, đạo phủ thủ mặc đồ kaki màu vàng và đội nón kết. Nạn nhân mặc đồ trắng ngắn tay, áo cổ vuông.

- Không có bịt mắt nạn nhân.

- Lúc mai táng không có sự hiện diện của thân nhân.

- Giờ xử chém thường là 6 giờ kém 15 phút sáng.

Vào năm 1930, máy chém ở nhà giam Hỏa Lò đã hành quyết ba nhà cách mạng: Nguyễn Thái Học, Ký Con, Nguyễn Khắc Nhu. Theo chú thích trang 46 bài “Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội” - hồi ký tập thể của nhiều đồng chí bị giam ở Hỏa Lò - Hà Nội từ năm 1930-1945 do Huỳnh Trai ghi, đăng trên Nội san nghiên cứu lịch sử Đảng, số 1 tháng 6/1972 có ghi: máy chém ở nhà giam Hỏa Lò - Hà Nội có lần chuyển xuống Hải Phòng để xử chém đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Ở Sài Gòn, máy chém đã sát hại nhiều sĩ phu yêu nước chống lại chính sách cai trị của thực dân Pháp và đấu tranh cho độc lập, tự do của tổ quốc như: Ngô Thiêm, Trần Chương, Lý Tự Trọng.

Khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam Việt Nam, Luật 10/59 đã được chế độ Việt Nam Cộng hòa ban hành ngày 6/5/1959, quy định việc tổ chức các Tòa án Quân sự Đặc biệt nhằm xét xử trong 3 ngày các “tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa. Theo luật 10/59, bản án chỉ có 2 mức: tử hình hoặc khổ sai chung thân, không có giảm án, không có kháng cáo, bản án phải thi hành ngay. Trên thực tế, bộ luật này nhằm vào đối tượng là những đảng viên cộng sản, những cán bộ cách mạng từng kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh và những người dân ủng hộ họ. Máy chém được sử dụng làm công cụ hành quyết phạm nhân bị kết án theo luật này.

Theo sử gia John Guinane, chỉ tính từ năm 1957-1959, đã có hợn 2.000 người bị Việt Nam Cộng hòa hành quyết với tội danh nổi loạn hoặc ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, thường là bằng máy chém. Nhiều vụ xử chém của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được diễn ra công khai trước dân chúng, đầu phạm nhân được bêu để thị uy.

 

Báo The Straits Times (Singapore) ngày 24/7/1959 có bài viết tường thuật cảnh 1.000 người dân xem xử chém công khai ở Sài Gòn. Báo Buổi Sáng (Sài Gòn) ngày 12/10/1959 có đăng ảnh máy chém kèm chú thích: “Đây là chiếc máy chém đã chặt đầu tên Cộng sản Võ Song Nhơn, ngay lập tức sau khi tòa tuyên án”. Ba ngày sau, báo này đăng tin Theo một phán quyết của phiên xử vắng mặt của Tòa án Quân sự Đặc biệt ngày 02 tháng 10, Nguyễn Văn Lép, tức Tư Út Lép, một Việt Cộng, đã bị tuyên án tử hình. Cách đây một tuần, Lép đã bị sa vào lưới của Cảnh sát trong một khu rừng ở Tây Ninh. Bản án tử hình đã được thi hành... Hiện đầu và gan của tên tử tù đã được Hội đồng xã Hào Đước cho đem bêu trước dân chúng”.

Chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức những đội vũ trang có nhiệm vụ chống Cộng đưa về các địa phương. Sau này, Rober McNamara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ghi trong hồi ký “Nhìn đại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” như sau: “Ngày 6/9/1050, Diệm đã ký Luật 10/59. Mỉa mai là ông ta quay trở lại với cách của các ông chủ thuộc địa người Pháp từng thực thi, mở đầu kỷ nguyên của những cái chết bằng cách chặt đầu. Đám tay chân của Diệm đi đên các vùng nông thôn với những chiếc máy chém cơ động và chương trình truy lùng những người cộng sản”. Sử gia Edward Miller mô tả trong cuốn sách “Liên minh sai lầm - Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ, và số phận Nam Việt Nam” như sau: “Hình ảnh khát máu của chế độ Ngô Đình Diệm càng được củng cố với quyết định sử dụng công cụ tử hình thời thuộc địa là máy chém. Các thành viên tòa án mang theo “phiên bản di động” (có thể tháo rời và kéo sau xe tải quận sự) của thứ công cụ kinh khủng này khắp đất nước... làm tăng sự sợ hãi của thường dân vào chính quyền Diệm và các đại điện của nó”.

Máy chém thời Ngô Đình Diệm được sử dụng tại miền Nam để chặt đầu nhân dân yêu nước, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

 

Năm 1960, ông Hoàng Lê Kha, tỉnh ủy viên Đảng bộ Tây Ninh được cho là người cuối cùng và là người cao cấp nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bị hành quyết bằng máy chém ở Việt Nam. Sau vụ xử Hoàng Lê Kha, bị sự chống đối của nhân dân miền Nam ngày càng quyết liệt và cao trào, chính quyền Ngô Đình Diệm đã xếp máy chém vào kho vật liệu ở nhà giam Chí Hòa.

Ông Lê Hoàng Kha

 

Ngày nay, chiếc máy chém đã từng giết hại những người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh. Ở đây, chúng ta không chỉ nhìn thấy cái kích thước vật chất của nó, băng sự kết hợp gỗ và kim loại thành một dụng cụ giết người, mà cái kích thước tội ác, chiều sâu vết thương mà chiếc máy chém này đã gây ra trong lòng dân tộc không thể tính bằng toán học hay thước đo, nó là một chứng tích đau thương và kiêu hãnh của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gồm nỗi thương tiếc khôn nguôi của người sống dành cho người chết, của hậu thế đối với tiên nhân. Dưới lưỡi dao oan nghiệt này, biết bao anh hùng, liệt sĩ đã bị đứt ngang cuộc tranh đấu, nhưng chính những dòng máu bất diệt đã thắm vào lòng đất quê hương, làm ngọn lửa đấu tranh bất khuất truyền cho bao thế hệ tranh đấu cho độc lập, tự do của dân tộc cho đến ngày toàn thắng.

Học sinh, sinh viên tham quan chiếc máy chém tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

 

TS. Trần Xuân Thảo

(Tư liệu trong bài viết: hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh)