3. Cùng "hoà giải" để hướng tới tương lai.

Những câu chuyện ở trên chỉ là những ví dụ tiêu biểu trong hành trình “trở về” Việt Nam của những cuốn nhật ký chiến trường. Những trang nhật ký thời chiến của bộ đội Việt Nam đã có sức lay động, cảm hóa, dẫn dắt đối với các cựu chiến binh ở bên kia chiến tuyến. Đó là một sức cảm hóa xuyên biên giới mà nhiều năm sau chiến tranh, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Những trang nhật ký của những người lính Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn, khẳng định cho ý chí và tinh thần xả thân của người dân Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

Tuy nhiên, trong hành trình đó, không phải sự trở về nào cũng đều có cái kết “có hậu”. Câu chuyện của cựu chiến binh Weblndell Fritz Schoutz là một ví dụ. Trong trận đánh ngày 17/3/1968 ở Kon Tum (đây cũng là trận đánh cuối cùng của ông ở Việt Nam), ông đã tìm thấy một cuốn nhật ký và một số tấm ảnh trong những chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam mà đơn vị ông thu được. Cuốn nhật ký này không đề cập nhiều về chiến tranh mà chủ yếu ghi chép các bài hát, bài thơ. Đó là những bài thơ tình, bài hát lãng mạn, cả các bản nhạc. Dường như cứ khi hành quân đến đâu thì người lính này lại ghi lại một bài hát, bài thơ để đánh dấu địa danh mình đã tới như Thanh Hóa, Quảng Bình, rồi cả Lào nữa. W. F. Schoutz hy vọng là người lính Việt Nam kia vẫn còn sống để ông có thể trả lại cuốn nhật ký này, hoặc cho gia đình của anh ấy. Tuy nhiên, cho đến nay, hy vọng đó vẫn chưa thực hiện được. Điều đó đã gây ra cho tiếc nuối và day dứt cho cả hai phía.

Thế nhưng, điều đó đã không cản được những nổ lực chung để cả hai phía bước tiếp trong hành trình đầy ý nghĩa này như lời nhắn gửi của cựu chiến binh Peter Mathews: “Những diễn biến ngày hôm nay nói lên rằng, việc trao trả cuốn nhật ký về tay gia đình liệt sĩ (ông Cao Văn Tuất) đã một phần giúp hàn gắn vết thương chiến tranh. Tôi mong nỗi buồn của gia đình liệt sĩ sẽ nguôi ngoai và họ có thể cảm thấy vui khi nhận lại được kỷ vật của người thân”. Hành trình hoà giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua sự “trở về” của những trang nhật ký là một câu chuyện rất đáng suy ngẫm và mở ra hy vọng cho rất nhiều người. Thật tuyệt vời khi thấy những cựu thù cũ ôm lấy nhau để chữa lành vết thương quá khứ và hình thành những tình bạn đáng kinh ngạc đưa cả hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ hướng đến một tương lai tốt đẹp. Tất cả những người đã và đang tham gia vào hành trình này sẽ luôn được tôn vinh vì những cống hiến thầm lặng của họ.

Nguyễn Trọng Minh

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại