Từ sau khi chính quyền Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, phong trào phản đối chiến tranh, đòi chính quyền Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ ngay trong lòng nước Mỹ.

Làn sóng ấy không chỉ là tập hợp những công dân Mỹ tiến bộ yêu hòa bình, mà còn là tiếng nói của những trí thức, chính trị gia, những nhà hoạt động xã hội Mỹ và hơn cả là lương tri của những binh sĩ - những thanh niên Mỹ bị đẩy vào cuộc chiến tàn khốc và phi nghĩa. Có thể nói, chưa nơi nào trên thế giới, chính quyền một quốc gia đưa quân viễn chinh tham chiến ở ngoại quốc lại vấp phải sự phản đối bền bỉ và quyết liệt như tại Mỹ trong những năm tháng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Niềm tự hào, vinh dự được phục vụ trong quân đội trở thành sự ám ảnh của mỗi thanh niên Mỹ khi bị đẩy vào chiến trường Việt Nam. Hàng trăm, hàng nghìn thanh niên Mỹ đã đốt thẻ quân dịch, đào ngũ, bỏ ra nước ngoài để không phải đi lính, không phải tham chiến ở Việt Nam. David O'Brien - một thanh niên ở Boston (Mỹ), trở thành người đầu tiên đốt thẻ quân dịch.

David Miller, một thanh niên Mỹ đốt thẻ quân địch. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

 

Trong thời gian đầu, việc đốt thẻ quân dịch để phán kháng chính sách chiến tranh của chính quyền Mỹ bị Tòa án Liên bang truy tố. Nhưng càng về sau, với sự phát triển rầm rộ của phong trào trên cả nước Mỹ, nhà tù đã không còn đủ chỗ để giam giữ.

Theo thống kê, giữa năm 1965 có 380 vụ khởi tố liên quan đến những người từ chối gia nhập quân đội, nhưng đến giữa năm 1968 con số này tăng gần 10 lần, lên đến 3.305 vụ. Tháng 10/1967, chỉ riêng tại San Francisco có 300 thẻ quân dịch bị trả lại trong chiến dịch thu hồi thẻ tuyển quân của chính phủ Mỹ. Tháng 5/1969, Trung tâm tuyển quân Oakland - nơi thực hiện tuyển quân từ các khu vực thuộc phía bắc California ghi nhận có 4.400 thanh niên Mỹ trong diện tuyển quân, nhưng có đến 2.400 người không đến trình diện. Đến cuối năm 1969, toàn nước Mỹ có 33.960 trường hợp phạm tội trốn lính. Không chỉ tăng mạnh về số lượng, phong trào cũng có sự chuyển biến rõ nét, từ việc chỉ xuất hiện trong đội ngũ binh sĩ nghĩa vụ, từ năm 1968, hoạt động phản chiến của binh sĩ Mỹ lan rộng tới đội ngũ binh sĩ tình nguyện.

 

Các binh sĩ tham gia phong trào đốt thẻ quân dịch cũng như tham gia các phong trào phản chiến khác đều bị buộc tội, bắt giam, trục xuất khỏi nước Mỹ... Dù vậy, phong trào vẫn diễn ra mạnh mẽ và ngày càng tăng nhanh về số lượng binh sĩ tham gia qua các năm.

Như vậy, từ năm 1965, khi chính phủ Mỹ chính thức đưa quân vào tham chiến tại Việt Nam, phong trào đốt thẻ quân dịch đã trở thành một trong những phong trào phản chiến lớn mạnh trong hàng ngũ binh sĩ Mỹ. Cùng với các phong trào phản chiến trong hàng ngũ binh lính và cựu chiến binh Mỹ như: xuất bản ấn phẩm, mở quán cà phê phản chiến, biểu tình, từ chối tham chiến tại Việt Nam, đào ngũ... đã góp phần gây áp lực lên chính phủ Mỹ, hòa cùng các phong trào phản chiến khác của các tầng lớp nhân dân Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tìm kiếm giải pháp hòa bình, kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.

Thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch từ chối lệnh điều động sang Việt Nam tham chiến. (06/01/1965) Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam