Với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu trên mọi mặt trận.

Từ học sinh, sinh viên, nhiều cô gái trẻ “Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…” đến những người mẹ, người chị đã dành trọn những tháng năm đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời mình chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cũng chính từ các cuộc chiến tranh đã khắc họa nên hình tượng người phụ nữ đảm đang, bất khuất, dũng cảm, kiên cường như: Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Võ Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Kim Lai… cùng những câu chuyện kể được lưu truyền cho thế hệ sau.

“O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai áp giải một phi công Mỹ bị bắt vào năm 1965.

 

Đội quân tóc dài biểu tình phản đối đế quốc Mỹ trong thời gian diễn ra phong trào Đồng Khởi.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Định (người đeo khăn) tại căn cứ Tà Thiết.

 

Bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973

 

Một số tư liệu, hình ảnh, câu chuyện của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh đã được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh sưu tầm, thực hiện triển lãm chuyên đề lưu động “Phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”. Chuyên đề này giới thiệu đến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ thấy được vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh và cũng là bài học quý báu cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Tiếp nối truyền thống đó, khi đất nước hòa bình và trong xu thế hội nhập, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại, nghiên cứu khoa học… góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam phải chống chọi với dịch bệnh Covid nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, một lần nữa giá trị của người phụ nữ Việt Nam được lan tỏa sâu sắc hơn. Trước diễn biến dịch Covid - 19 hết sức phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh đã siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó” và mỗi phường, xã là một “pháo đài” chống dịch. Nhiều chị em phụ nữ đã đăng ký tình nguyện tham gia đóng góp một phần công sức để hỗ trợ các công tác phòng chống dịch như nấu cơm đem đến khu cách ly, phát suất ăn miễn phí cho người vô gia cư, phiên chợ 0 đồng, đi chợ thay, hỗ trợ chuyển các gói an sinh nhanh chống đến với người dân… đến việc tham gia lấy mẫu nhanh ở cộng đồng dân cư, tham gia các tổ y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, chăm sóc bệnh nhân covid ở các bệnh viện dã chiến… Có thể thấy rằng, dù dịch bệnh nguy cơ lây lan cao nhưng những người phụ nữ vẫn ngày đêm tích cực tham gia nhiều hoạt động từ hậu phương đến tuyến đầu chống dịch góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh nhanh khỏi bệnh.

Bác sĩ Bùi Khánh Linh (trái) cùng đội nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Việt xuất quân tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 01.

 

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ (bên trái) cùng các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

 

Đoàn y bác sĩ, sinh viên ngành y tỉnh Thừa Thiên Huế lên đường hỗ trợ TP. HCM chống dịch.

 

Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 2 trao đổi thông tin trước khi vào thăm khám bệnh nhân.

 

Học viện Quân y đến TP.HCM với quyết tâm chống dịch.

 

Chương trình Chuyến xe nghĩa tình.

 

 

 

 

Tham gia công tác tiêm vacxin cho người dân và tại Trạm Y tế lưu động số 3 tiếp nhận điện thoại yêu cầu hỗ trợ thăm khám y tế tại nhà của các bệnh nhân.

 

 

Chương trình Đồng hành vượt cạn và Tham gia Đi chợ hộ cho người dân.

 

 

Tham gia các tổ y tế test Covid cho người dân và hướng dẫn người dân làm test nhanh COVID-19 tại nhà.

 

Như vậy, dù là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng, không chỉ là người nội trợ của gia đình mà còn tham gia nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội thúc đẩy xã hội phát triển. Và sự ca ngợi hình ảnh người phụ nữ đã đi vào thơ ca rất nhiều như bài thơ “Người phụ nữ Việt Nam” của tác giả Phan Hoàng:

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Đây người phụ nữ Việt Nam

Tóc mây óng mượt, dịu dàng xinh tươi

Long lanh ánh mắt sáng ngời

Nghiêng nghiêng vành nón, nụ cười nở hoa

Xưa nay việc nước việc nhà

Hai vai gánh vác thật là đảm đang

Bác Hồ tặng “tám chữ vàng”

Biểu dương Phụ nữ Việt Nam anh hùng!

Ngày xưa Bà Triệu, Bà Trưng

Đánh quân Phương Bắc lẫy lừng võ công

Diệt thù giải phóng non sông

Chị Khai, Chị Sáu… anh hùng thời nay

Hiến dâng khối óc, bàn tay

Kinh doanh, sản xuất, cấy cày tăng gia. . .

Bao người phụ nữ tài hoa

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh

Thủy chung, son sắt nghĩa tình

Đẹp sao Phụ nữ nước mình xưa nay!