Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội khắp 5 châu, chấn động địa cầu. Đây là trận đánh quyết định thắng lợi chiến lược và chiến dịch phối hợp lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đóng góp vào chiến thắng oanh liệt đó là vai trò của bộ đội phòng không mà nòng cốt là Trung đoàn Pháo cao xạ 367, tuy là một binh chủng mới lần đầu ra trận nhưng là nhân tố quyết định đánh bại không quân Pháp trên vùng trời Điện Biên, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của chiến dịch hiệp đồng binh chủng đầu tiên của quân dân Việt Nam.

Thời gian đầu, Navarre chỉ coi Điện Biên là một cứ điểm bình thường để ngăn chặn hành động quân sự của Việt Minh. Nhưng khi phát hiện hai đại đoàn của Việt Minh là 308 và 312 đang di chuyển lên Tây Bắc, Navarre đã chú trọng tăng cường cho Điện Biên Phủ để nơi đây trở thành trận quyết chiến của hai bên. Liên tục sau đó, lực lượng quân Pháp đồn trú ở Điện Biên cứ tăng cường thêm. Đến tháng 12/1953 đã lên tới 6 tiểu đoàn. Cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự có hỏa lực mạnh. Toàn bộ khu vực gồm 49 cứ điểm được chia làm 3 phân khu. Các cứ điểm có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Sau khi xây dựng lực lượng ở cứ điểm Điện Biên Phủ, với lực lượng không quân hùng mạnh, Navarre luôn có niềm tin vững chắc vào không quân Pháp và khẳng định một cách chắn chắn vào sự tốt đẹp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong tầm hoạt động của không quân. Navarre còn so sánh “Trong khi lực lượng Việt Minh cơ động bằng đôi chân và vận chuyển chủ yếu bằng bọn cu-li, hoặc khá hơn, bằng những chiếc xe vận tải chạy trên những con đường rất xấu liên tục bị cắt đứt bởi không quân đối phương, thì ngược lại, về phía quân đội Pháp, nhờ ở lực lượng hải quân và không quân vận tải, chúng ta có được một khả năng cơ động chiến lược to lớn trên toàn Đông Dương…”. Chính vì thế “Đây (tức Điện Biên Phủ) trước hết là một cuộc hội chiến của không quân” (Lưu Trọng Lân, 2004). Thực hiện ý đồ của Navarre, hầu hết không quân chiến đấu và không quân vận tải đều được huy động cho mặt trận quyết định này. Thậm chí dù đã được Mỹ chi viện cho gần 150 máy bay vào giữa tháng 4/1954, Bộ Quốc phòng Pháp vẫn quyết định cung cấp thêm tất cả máy bay B26 còn lại cho Navarre.

Về phía Việt Nam, lúc bấy giờ quân ta chưa có lấy một chiếc máy bay cũng như tiểu đoàn pháo cao xạ nào, hầu hết vùng trời là do máy bay của quân Pháp làm chủ. Chính vì thế, ngày 01/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367. Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời với gần 3000 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ các nơi trong quân, tập trung về Việt Bắc để lên đường sang Quảng Tây (Trung Quốc) huấn luyện. Tháng 11/1953, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã sẵn sàng cho trận quyết chiến.

Trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Minh chỉ có 24 khẩu pháo 37mm (sang đợt 3 tăng thêm 12 khẩu) và 60 khẩu trọng liên 12,7mm. Bảo vệ giao thông vận tải có 36 khẩu pháo 37mm và 50 khẩu trọng liên 12,7mm. Nếu đem ra so sánh, chỉ riêng số pháo trên một chiếc Invader B26 của Pháp đã có tới 12 khẩu 12,7mm, chưa kể bom; một chiếc khu trục Hellcat F6F đã có 2 khẩu pháo 20mm và 6 trọng liên 12,7mm (Lưu Trọng Lân, 2004). Dù lực lượng mỏng, pháo chỉ có vài chục khẩu, đưa pháo vào trận địa là một thách thức lớn. Nhưng lực lượng pháo binh vẫn làm nên lịch sử.

Trái ngược với nhận định của Pháp rằng Việt Minh sẽ không thể đưa các khẩu pháo lên vị trí chiến đấu, dưới sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, bằng tinh thần dũng cảm, kiên cường, quân và dân ta không chỉ kéo pháo lên trận địa mà còn vận chuyển hàng tấn đạn dược, hình thành thế trận bao vây lòng chảo Điện Biên. Với cuốc xẻng, chỉ trong một tháng, quân và dân Việt Nam đã làm sáu tuyến đường cơ động cho pháo. Những tuyến đường nằm ngay dưới tầm của quân Pháp, chạy men theo sườn núi, băng đèo bao vây Điện Biên Phủ. Để đưa pháo lên trận địa, các đơn vị phải hành quân vào ban đêm, toàn bộ xe pháo đều phải được trùm kín, ngụy trang bằng lá, xe ô tô chỉ được sử dụng đèn gầm. Khi dừng lại ở những chỗ trú quân, các đại đội luôn nằm trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhưng lại không được phép bắn trừ khi thấy có dấu hiệu rõ ràng máy bay đối phương sẽ đánh vào trận địa. Phía bên trên là máy bay trinh sát lượn vòng liên tục, nhưng vẫn không phát hiện được 24 khẩu lựu pháo 105mm và 24 khẩu pháo 37mm của Việt Minh. Không chỉ vậy, ngoài các vị trí chiến lược thật, pháo binh Việt Minh còn bố trí các trận giả nhằm đánh lạc hướng không quân Pháp và tránh lãng phí bom đạn.

Quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao vào Điện Biên Phủ
Nguồn: Sách ảnh Điện Biên Phủ - Hình ảnh và sự kiện

Chiều ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Toàn bộ lực lượng pháo binh của ta với các khẩu pháo từ 75 đến 120mm đồng loạt nhả đạn. Một viên đạn pháo rơi trúng sở chỉ huy Him Lam. Một chiếc máy bay của Pháp vừa rời khỏi mặt đất thì bị pháo cao xạ chặn bắn. Sự xuất hiện bất ngờ của Trung đoàn đã khiến đội hình không quân Pháp bối rối, một chiếc F8F bị trúng đạn. Sáu chiếc còn lại bị trúng đạn pháo của ta nằm bất động trên sân bay. Trong 15 phút đầu tiên của trận pháo kích, sở chỉ huy thành trì Him Lam đã bị phá hủy, lực lượng pháo binh yểm trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh vững vàng tấn công và chiếm giữ địa hình. Chỉ năm ngày đầu chiến dịch, Trung đoàn đã bắn rơi 14 máy bay, bắn hỏng 25 chiếc khác.

Ngày 13/03/1954, pháo binh mở đầu chiến dịch
Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

 

Tính đến thời điểm trước khi Việt Minh mở đợt tấn công thứ hai vào Điện Biên Phủ, sân bay Mường Thanh của Pháp đã bị tê liệt hoàn toàn, không quân Pháp không thể hạ, cất cánh ở Mường Thanh được nữa. “Dạ dày khổng lồ” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cắt bỏ hoàn toàn. Nguồn tiếp tế cho hơn một vạn quân, bao gồm cả phân khu Nam tại Hồng Cúm đều trông chờ vào việc thả dù bằng máy bay qua cầu hàng không Hà Nội – Điện Biên Phủ. Cũng vào thời điểm này, phi công Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến bằng cách lái những chiếc máy bay vận tải C-119 thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, trong đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Việt Minh đã xiết chặt vòng vây lửa. Pháo cao xạ đã tiến vào gần trung tâm. Khẩu đội pháo của đội trưởng Phùng Văn Khẩu đã đứng vững ở đồi E 3 ngày đêm, đe dọa những vị trí của quân Pháp. Ngày 12/4/1954, chiếc máy bay thứ 50 bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là một pháo đài bay Privateer B26 với phi hành đoàn gồm 9 người lần đầu tiên bị bắn rơi tại Việt Nam. Bom nằm trong khoang vẫn chưa kịp thả. Số bom này đã cung cấp cho các chiến sĩ công binh một tấn thuốc nổ đặt trong đường hầm A1 vào đầu tháng 5 của chiến dịch (Võ Nguyên Giáp, 2004). 

Chuẩn bị bước vào đợt 3 của chiến dịch (bắt đầu từ ngày 1/5/1954), cả ba tiểu đoàn pháo cao xạ với 36 khẩu 37 mm và 36 súng máy 12,8mm tiến gần vào khu trung tâm Mường Thanh, khép kín vòng vây, khống chế chặt vùng trời Điện Biên.  Riêng đại đội 816 của tiểu đoàn 383 đã tách khỏi đội hình chiến đấu của Trung đoàn âm thầm tiến về phía nam, áp sát cứ điểm Hồng Cúm. Rạng sáng ngày 27/4, đại đội 816 đã chiếm lĩnh trận địa, phối hợp với các đơn vị khác bắn mãnh liệt vào các máy bay đối phương đang thả dù tiếp tế cho binh lính Pháp. Mỗi ngày C-119 và C-47 thay nhau thả xuống Điện Biên hơn 1000 dù tiếp tế các loại, nhưng gặp phải pháo cao xạ của ta, máy bay Pháp không dám xuống thấp, buộc phải thả ở độ cao hơn 3000m, ngoài tầm với của cự ly 37mm. Tuy nhiên, vì khu vực chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp, gặp gió nồm Nam thổi mạnh nên quá nửa số dù này đã rơi vào tay Việt Minh (Tạp chí Lịch sử Quân sự, 2004).

Để cứu vãn tình hình, Bộ chỉ huy Pháp lợi dụng điểm yếu của pháo cao xạ của Việt Minh là không được trang bị rada chỉ huy pháo bắn đêm, vì vậy máy bay tiếp tế có thể xuống thấp hơn, thả dù sẽ chính xác hơn. Ngược lại với tính toán đó của Pháp,  pháo cao xạ của ta dù không có rada nhưng các chiến sĩ vẫn nghĩ ra cách đánh máy bay vào ban đêm. Ban ngày, pháo cao xạ chiếm lĩnh trận địa cơ bản để chiến đấu. Tối đến, ta cơ động pháo ép sát vào đối phương để bắn. Nhiều nơi vì quân Pháp quá gần trận địa, không thể dùng ô tô để kéo, từng đại đội pháo ca xạ đã huy động toàn bộ số quân khoảng 50 người kéo từng khẩu, vào vị trí áp sát đối phương để bắn. Gần sáng lại cơ động kéo ra trận địa cơ bản. Cao xạ pháo bắn ban đêm chủ yếu dựa theo tiếng động cơ máy bay. Các đại đội đều phân công cán bộ nghiên cứu quy luật lượn vòng, hạ độ cao, đường bay, cách thả dù, kết hợp với việc rà soát, phân tích số liệu thông báo của các vọng quan sát, xác định rõ từng loại máy bay và căn cứ theo tiếng động cơ để tính toán phần tử xạ kích. Ta còn đóng các cọc chuẩn màu trắng quanh công sự pháo để làm điểm ngắm cho các pháo thủ bắn đêm. Đầu nòng pháo được buộc những cành lá tươi để che bớt ánh lửa bắn ra khi bắn, tránh làm lộ trận địa.

Càng về cuối chiến dịch, phạm vi chiếm đóng của Pháp ngày càng bị thu hẹp. Ngày 4/5, hai máy bay B26 bị trúng đạn cao xạ. Ngày 6/5, một chiếc C119 bị bắn hạ. Ngày 7/5, hai chiếc máy bay khu trục F4U-2 bị bắn rơi, đây là hai chiếc máy bay cuối cùng bị tiêu diệt trong chiến dịch.

Máy bay vận tải JU 52 bị bắn rơi
Ảnh: Raymon Cauchetier

 

Kết thúc chiến dịch, bộ đội cao xạ Việt Minh đã bắn rơi 62 máy bay Pháp. Riêng Trung đoàn 36 bắn rới 52 chiếc, bắn bị thương 153 chiếc, bắt sống 4 phi công Pháp (Lưu Trọng Lân, 2004). 

Với chiếc thuật cơ động, sáng tạo, hình thành chiến thuật tác chiến vũ trang tổng hợp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là chiến thuật “triển khai gần, bắn thẳng”, bộ đội ta đã phát huy tối đa sức mạnh của các loại súng pháo khác nhau. Bằng phương châm “Tấn công, tiến vững”, lực lượng pháo binh nói chung và pháo cao xạ nói riêng đã kết hợp nhiều chiến thuật khác nhau nhằm làm hao mòn sức mạnh quân số, vũ khí, trang bị của quân Pháp, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954

 

Đặng Hồ Xuân Hương