Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là những trang lịch sử bi thương mà hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đã hơn 40 năm trôi qua, lớp người từng sống và chiến đấu, trải qua bao đau thương, mất mát nay trở thành những chứng nhân lịch sử, lưu giữ ký ức sinh động, cụ thể và hấp dẫn, phản ánh những góc nhìn, những khía cạnh chân thực nhất về một thời kỳ gian lao mà anh dũng. Những tư liệu qua lời kể của “nhân chứng sống” nếu được lưu giữ và phát huy, sẽ là những sử liệu thuyết phục, có sức lay động nhất đến công chúng nói chung và các thế hệ người Việt Nam nói riêng.

Trong hoạt động bảo tàng, việc gặp gỡ, giao lưu và lưu giữ các câu chuyện đáng nhớ, những kí ức không bao giờ quên từ các nhân chứng lịch sử là điều cần thiết, mang nhiều ý nghĩa sâu xa.Trong những năm qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên bao gồm những nhân chứng lịch sử, có thể chia thành 03 nhóm:

- Cựu tù nhân chính trị: bao gồm các cô chú từng là những thanh niên đầy lòng nhiệt huyết tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từng trải qua đủ mọi cực hình, tra tấn khắc nghiệt của rất nhiều nhà giam khác nhau của chế độ lao tù Mỹ - Diệm, từ Chí Hòa đến Tân Hiệp, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt… và sau đó bị đày đi Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc…như các bác Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Thị Phi Vân, Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu, Nguyễn Dương Kế, Lê Tú Cẩm. . .

- Nạn nhân chất độc da cam/dioxin: bao gồm các anh chị ở cơ sở khuyết tật An Phúc. Họ là những nạn nhân sinh ra vào thời bình song vẫn phải chịu đựng thương tật từ di chứng của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trong chiến tranh. Tuy vậy, họ vẫn luôn lạc quan, vững tin vào cuộc sống, bằng chính đôi tay đôi khi không được lành lặn của mình để lao động, vượt khó vươn lên. Hiện nay, Bảo tàng dành một không gian trưng bày để các anh chị có thể kết hợp giới thiệu những sản phẩm từ đôi tay tài hoa của mình. Trong các chương trình giao lưu được tổ chức tại Bảo tàng, các anh chị đã đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ công chúng.

- Cựu chiến binh Việt Nam: gồm các cô, chú đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, họ từng trải qua những đau thương, mất mát do cuộc chiến gây ra. Ngày nay, dù thân thể bị thương tích nhưng họ vẫn lạc quan và góp phần xây dựng nước nhà trên tinh thần hòa bình và hữu nghị.

Ngoài ra còn có các nhóm: cựu chiến binh Mỹ và đồng minh, các nhà hoạt động phản chiến quốc tế trong chiến tranh Việt Nam: họ từng là những người lính đứng bên kia chiến tuyến, nay trở lại Việt Nam để xoa dịu nỗi đau và hàn gắn vết thương chiến tranh như các cựu binh thuộc tổ chức “Cựu chiến binh vì Hoà Bình” (VFP), “Hội trái tim người lính” (Hoa Kỳ)… hay những nhà hoạt động phản chiến thuộc “Quỹ hòa bình Hàn - Việt” (Hàn Quốc), “Dự án Hiroaki Yamazaki 8/10” (Nhật Bản). . .

Với đội ngũ cộng tác viên là những nhân chứng lịch sử tham gia trong các chiều cạnh khác nhau của cuộc chiến, Bảo tàng đã tổ chức nhiều hoạt động mang tính tương tác cao với công chúng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng, trở thành điểm đến hấp dẫn cho công chúng trong và ngoài nước.

Nhiều hoạt động giao lưu đặc sắc đã gặt hái được nhiều thành công như chương trình giao lưu Người chiến sĩ hôm nay, Ông - bà - cháu cùng đến bảo tàng… với sự tham gia của những cựu chiến binh và những người lính trẻ, của những nhân chứng lịch sử vốn là những người ông, người bà gần gũi, thân thiết với thế hệ trẻ. . .

Giao lưu “Ông - bà - cháu cùng đến bảo tàng” ngày 27/6/2015.

 

Bảo tàng cũng thường xuyên đón nhận các đoàn cựu binh đã từng ở bên kia chiến tuyến trong Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là các cựu chiến binh Hoa Kỳ thuộc Hội trái tim người lính, các thành viên Quỹ hòa bình Hàn Việt đến giao lưu với nạn nhân da cam thuộc cơ sở khuyết tật An Phúc…Gần đây nhất, ngày 08/01/2019, tại Bảo tàng đã tổ chức buổi giao lưu giữa vợ chồng cựu tù chính trị Côn Đảo Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu, các nạn nhân chất độc da cam đến từ cơ sở khuyết tật An Phúc với các thành viên của Quỹ hòa bình Hàn -Việt. Những hoạt động ấy góp phần xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương chiến tranh, chia sẻ các cơ hội hợp tác, cùng phát triển với sự cảm thông sâu sắc từ nhiều phía.

Cựu chiến binh Việt Nam Mai Thanh Sơn giao lưu với Cựu chiến binh Mỹ

Nhiều tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề được tổ chức, trong đó, các cựu chiến binh, các cựu tù chính trị đóng vai trò là nhân chứng lịch sử quan trọng đã cung cấp nhiều tư liệu và câu chuyện lịch sử xác thực, làm phong phú thêm các nội dung trưng bày của Bảo tàng. Có thể kể đến những tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề nổi bật trong thời gian gần đây như buổi đối thoại chủ đề “Ghi nhớ quá khứ và xây dựng tương lai” ngày 20/3/2018 với khoảng 100 khách tham dự gồm có cựu chiến binh Việt Nam, cựu tù chính trị Việt Nam và cựu chiến binh Mỹ, sinh hoạt chuyên đề “Tự nguyện” và câu chuyện về ý chí đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ cách mạng qua lời kể của cựu tù chính trị Lê Thanh Cảnh ngày 28/9/2018. . .

 

Buổi đối thoại chủ đề:“Ghi nhớ quá khứ và xây dựng tương lai” vào sáng ngày 20/3/2018

Thông qua đội ngũ cộng tác viên là những nhân chứng lịch sử, có thể nói, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã trở thành cầu nối hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè thế giới, đồng thời cũng là cầu nối giữa các thế hệ cùng nhau trân trọng quá khứ, gìn giữ hòa bình và hướng tới tương lai tươi đẹp.

 

Bùi Văn Thắng

Phòng trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại