Bạn có biết ngày 18/4 hàng năm đã được Quốc Hội quy định là Ngày Người khuyết tật Việt Nam kể từ năm 2011.

Không được lành lặn như bao người khác, Người khuyết tật phải chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Hầu hết, họ gặp không ít khó khăn về mọi mặt đời sống xã hội như: học tập, tìm kiếm việc làm, hôn nhân... Thế nhưng, cản trở lớn nhất với họ chính là sự kỳ thị của cộng đồng. Đó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn, đẩy Người khuyết tật ra bên lề của cuộc sống. Tuy nhiên, không đầu hàng trước số phận, rất nhiều Người khuyết tật ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước vẫn đang nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn và khẳng định chính mình.

Tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khuyết tật vốn là nạn nhân chiến tranh. Họ có thể là những người thương binh đã mất đi một phần thân thể do bom đạn chiến tranh; những cựu tù trở thành tàn phế vì chế độ lao tù khắc nghiệt; những nạn nhân của bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam v.v. Trong đó có rất nhiều nạn nhân chiến tranh đã tự mình phấn đấu, vượt khó vươn lên để không chỉ nuôi sống bản thân mà còn sẵn sàng giúp đỡ người cùng cảnh ngộ đã khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái sâu sắc trong cộng đồng. Người khuyết tật – nạn nhân chiến tranh có thể bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng ở họ rất giàu về ý chí, nghị lực vươn lên. Những công việc họ đang làm tưởng chừng như đơn giản, bình dị nhưng có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp và được cộng đồng đón nhận.

Chính họ đã trở thành những hạt mầm xanh tô điểm thêm cho bức tranh cuộc sống tươi đẹp hơn! Đón xem những bài viết về các tấm gương người khuyết tật – nạn nhân chiến tranh vượt khó vươn lên trong cuộc sống sẽ được chúng tôi kể bắt đầu từ ngày mai nhé!