Kỳ 2: Việt Nam - một tình yêu vô tận
Ngày 27/7/2009, bộ sưu tập ảnh “Những vết sẹo chiến tranh” gồm 65 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Murayama Yasufumi và nhà giáo Nishimura Yoichi được triển lãm tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh với những câu chuyện, hình ảnh xúc động về hậu quả chiến tranh đã được ghi lại trong hành trình 11 năm đi dọc đất nước Việt Nam của hai tác giả. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, đó là những người mẹ mang nỗi đau mất con, nước mắt vẫn chảy suốt mấy mươi năm; là những thương binh trở về với cuộc mưu sinh đời thường trong khó nhọc; là những đứa trẻ lớn lên ở thời bình nhưng lại mắc phải di chứng của chất da cam/dioxin nghiệt ngã... Tác giả đã luôn phải quan sát rất nhiều và dành cho các nhân vật một sự đồng cảm chân thành, những bức ảnh ấy đã thu hút sự chú ý đặc biệt gây xúc động đến bàng hoàng cho người xem. Murayama đã khiến người xem lặng người trước những đứa trẻ với nụ cười méo mó, những đôi mắt thất thần hay những bàn tay bàn chân chỉ là một khúc thịt nhỏ xíu.
Một câu chuyện đã để lại dấu ấn trong sự nghiệp của Murayama là câu chuyện về cô gái Đỗ Thùy Dương ở Sóc Trăng. Năm 2001, trong một dịp tình cờ, Murayama Yasufumi biết về hoàn cảnh của cô gái ấy. Khối u làm biến dạng trên khuôn mặt của cô gái đã gợi lên trong lòng nhà nhiếp ảnh gia sự thương cảm vô tận và cũng từ đó, cô đã trở thành động lực để Murayama thực hiện nhiều chương trình, dự án đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Thùy Dương lớn lên như những đứa trẻ bình thường khác cho đến một ngày, một phần trên khuôn mặt bên phải của Dương đau buốt, da mặt chảy xệ và biến dạng nặng theo độ lớn của khối u, lấp luôn mắt bên phải của cô. Ông Đỗ Tấn Phát – cha của Thùy Dương – cho biết, trước đây ông từng phục vụ tại quân y Quân khu 9, phụ trách khâu giao nhận hàng Bắc - Nam, đóng chốt tại một khu rừng ở Tây Ninh - nơi bị rải nhiều CĐDC. Giờ đây, bi kịch đó hiện lên hết trên hình hài cô con gái ông. Murayama và Take-Guchi (phóng viên tờ nhật báo Mainichi Shinbun ở Osaka) cùng một nhóm tình nguyện viên người Nhật đã đưa bài viết (của Take-Guchi) về Đỗ Thùy Dương lên trang web http://www.geocities.jp/shiensurukai.jp kêu gọi sự giúp đỡ. Murayama và những người bạn của mình đã giăng những tấm bảng lớn trên đường phố, đưa hình ảnh và bài viết về Đỗ Thùy Dương để “quyên góp” tiền người qua lại. Sau đó, nhóm vào các quán bar, cà phê, trường đại học, các ga tàu điện ngầm… để tiếp tục vận động. Nhờ số tiền 4.000 USD vận động được, tháng 9/2006 Murayama kết nối với bệnh viện Đại học Y dược Kyoto đưa Đỗ Thùy Dương sang Nhật Bản để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u.
“Cha tôi bị nhiễm chất độc da cam” – Đỗ Thùy Dương, cô gái 17 tuổi bị nhiễm chất da cam/dioxin từ cha. Cô không có mắt phải, tai phải không nghe, đi đứng khó khăn. Chỉ có cha cô là hiểu cô muốn nói gì (Thành phố Hồ Chí Minh, 02/2006). Nguồn: Murayama Yasufumi
Trong thời gian Thùy Dương đang được chữa trị tại bệnh viện Kyoto, cô gái Yokogawa Mariko thường lui tới bệnh viện chăm sóc Thùy Dương. Ở đây cô đã gặp gỡ và nên duyên với Murayama. Tháng 8/2008, Murayama và Mariko quyết định trở lại Việt Nam - là nơi khởi nguồn cho tình yêu của họ - để tổ chức lễ cưới. Trong lễ cưới, Yokogawa Mariko mặc bộ áo dài Việt Nam màu đỏ đã làm cho Murayama vô cùng xúc động. Đám cưới của cả hai đã diễn ra ấm cúng trong một nhà hàng nhỏ ở TPHCM. Murayama Yasufumi mời 20 người bạn Nhật Bản, còn lại là 80 người bạn Việt Nam là những người từ có địa vị xã hội đến những người lao động làm nghề xích lô, xe ôm, các bà ở quán cà phê, các ông chú ở quán ăn… Suốt 15 năm bên cạnh nhau, vợ chồng Murayama Yasufumi đã cùng đến Việt Nam 8 lần (riêng Murayama thì rất nhiều lần). “Tình yêu của tôi với Việt Nam rất lớn đến mức vợ tôi phải ghen... Điều đó cũng đơn giản vì tôi gặp vợ tôi mới 6 năm, nhưng tôi biết Việt Nam đã 16 năm rồi”, Murayama tâm sự.
Tình cảm và lòng yêu thương vô tận đối với đất nước và con người Việt Nam của ông đến nay đã lan truyền đến vợ của mình. Bà Huỳnh Ngọc Vân – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã “nhận định” Murayama là “một người mắc nợ Việt Nam” - “Murayama yêu quý Việt Nam một cách kỳ lạ. Anh dành hết tình cảm cho Việt Nam, dùng ngôn ngữ hình ảnh để kể với thế giới về số phận nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Đó là một việc làm thiết thực, rất đáng trân trọng". Đến hôm nay, Murayama vẫn luôn có ước nguyện là đưa những hình ảnh về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam ra thế giới ngày càng nhiều hơn nữa để truyền tải thông điệp về giá trị hòa bình và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam trong hiện tại và cả tương lai.
Đám cưới của Murayama Yasufumi tại Tp.HCM tháng 08/2008. Nguồn https://www.vietnam.vn/vo-chong-nhat-nen-duyen-nho-viet-nam-dam-cuoi-moi-bac-xe-om-co-ban-tra-da/