Máy bay ném bom là máy bay chiến đấu dùng bom hoặc tên lửa để tiêu diệt mục tiêu trên đất, biển của đối phương. Theo nhiệm vụ tác chiến, có máy bay ném bom chiến thuật (tầm gần) và máy bay ném bom chiến lược (tầm trung và tầm xa). Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, với tuyên bố “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, quân đội Hoa Kỳ đã đưa vào sử dụng tại chiến trường Việt Nam gần như tất cả các dòng máy bay ném bom mà họ có, trong đó có cả những loại đã từng sử dụng trong chiến tranh Thế giới thứ 2 như máy bay ném bom tầm trung B-26 Marauder, B-57 Canberras, máy bay ném bom hạng nặng B-52,...

B-57 Canberras là loại máy bay ném bom tầm trung và máy bay trinh sát phản lực hai động cơ được Không quân Hoa Kỳ đưa vào sử dụng từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc với số lượng có hạn trong thời kì đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam.

B-57 Canberras ra mắt vào năm 1954 được hãng Martin nghiên cứu dựa trên kiểu máy bay English Electric Canberra của Anh. Tốc độ bay lớn nhất của B-57 là khoảng 960km/h, bán kính chiến đấu khoảng 1.500km với hơn 2.300kg bom, hệ thống ném bom dẫn đường bằng ra-đa, hệ thống ném bom SORAN, ra-đa cảnh bảo APS 54, nhưng những chiếc B-57 đầu tiên tham chiến tại Việt Nam lại không được dự định dành cho chiến đấu, mà là dành cho trinh sát có thể hoạt động vào ban đêm. Với mục đích nhằm thu thập thông tin về các vị trí tên lửa đất đối không SAM của quân đội Bắc Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động trong chiến lược “Tìm và diệt”, quân đội Hoa Kỳ đã cải tiến B-57 thành máy bay trinh sát chiến lược tầm cao trong mọi thời tiết RB-57E Canberras, thực hiện nhiệm vụ trinh sát bằng hồng ngoại sử dụng máy ảnh Reconofax VI nhưng hoạt động không hiệu quả.

Máy bay B-57B. Nguồn: Vietnamconflict.

 

Việc bố trí những chiếc máy bay B-57 có khả năng chiến đấu thực sự thuộc các phi đội ném bom 8-13 tại Biên Hòa từ năm 1964. Phi vụ chiến đấu đầu tiên tấn công miền Bắc Việt Nam được thực hiện vào ngày đầu năm 1965, mang theo 9 quả bom 227 kg và 4 bom 340kg dưới cánh. Năm 1969, để đáp ứng nhu cầu về một loại máy bay vừa có thể hoạt động can thiệp vào ban đêm vừa có khả năng chiến đấu, 16 chiếc máy bay B-57B đã được chế tạo lại. Những chiếc máy bay này được cải tiến phần mũi hoàn toàn mới với ra-đa AN/ANG-139 hướng về phía trước, hệ thống ánh sáng và đầu dò hồng ngoại tầm xa AN/AAS-26, máy đo tầm xa, chỉ định laser cũng được lắp đặt, giá treo cải tiến để mang bom dẫn đường bằng laser Paveway. Những vũ khí này kết hợp với tải trọng bom, các khẩu súng máy cỡ nòng 20 mm, hoặc pháo M39, B-57 trở thành máy bay hổ trợ mặt đất hiệu quả. Sau đó, những chiếc máy bay B-57 tiếp tục được cải tiến nhằm thực hiện các phi vụ oanh tạc trên đường mòn Hồ Chí Minh, hỗ trợ các chiến dịch tại khu vực Tam giác sắt.

Máy bay RB-57E tại Đà Nẵng, năm 1964. Nguồn: Printerest.

 

 

Tổng cộng đã có 58 chiếc máy bay B-57 bị quân đội miền Bắc bắn hạ. Trong số 94 chiếc B-57 được đưa đến Đông Nam Á, đến năm 1969, chỉ còn 9 chiếc có thể hoạt động được, còn số còn lại bị phá hủy trong chiếc đấu hoặc do những nguyên nhân khách quan khác.

Pháo đài bay B-52 Stratofortres là mẫu máy bay chiến lược hạng nặng tầm xa duy nhất của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam do hãng Boeing sản xuất và đưa vào hoạt động từ năm 1954. B-52 được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường với uy lực ném bom rải thảm với tốc độ tối đa khoảng 560km/h, bán kính chiến đấu khoảng 7.210 km, khả năng tải khoảng 30.000 kg bom các loại. Một máy bay B-52 có thể mang tối đa là 108 quả bom loại 227 kg, trong đó 24 quả treo tại giá ngoài và 84 quả trong khoang. B-52 được trang bị 1 khẩu súng 20 mm, pháo M61 Vulcan, hệ thống điện tử cảm biến ánh sáng với độ phân giải cao, tên lửa chaff ADR-8, hệ thống nhắm mục tiêu, bắn tỉa nâng cao.

B-52 tham chiến đầu tiên ở Việt Nam trong chiến dịch “Sấm Rền” dưới phiên bản B-52F khi 30 chiếc máy bay thuộc các phi đội ném bom 9 và 411 ném bom tại Bến Cát, Bình Dương vào 18/6/1965. Đến tháng 12/1965, B-52D cải tiến để tăng tải trọng bom cho nhiệm vụ ném bom rải thảm, có thể chở nhiều hơn 9.980 kg bom và được đưa vào hoạt động thay cho B-52F từ năm 1966. Trong một phi vụ oanh tạc, B-52 thường đi thành nhóm 3 chiếc theo đội hình mũi tên và thể hiện được sức tàn phá ghê gớm. Trên độ cao từ 9-10 km, B-52 ném khoảng gần 100 tần bom với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2.5 km2. Nếu một quả bom tiêu chuẩn khoảng 250 kg thì mật độ bom rơi khoảng 130quả/km2. Chính vì thế, Không quân Hoa Kỳ đã dùng B-52 ném bom rải thảm dọn đường trên chiến trường Nam Việt Nam, Lào, Campuchia, trên đường mòn Hồ Chí Minh, ném bom tạo các bãi đáp đổ quân cho các cuộc hành quân của Sư đoàn Kỵ binh bay, đánh vào các khu nghi ngờ tập kết quân và hậu cần của quân đội miền Bắc. Có 3 đợt Hoa Kỳ huy động máy bay ném bom B-52 dữ dội nhất gồm: ném bom trong chiến dịch Niagara - Operation Niagara nhằm yểm trợ cho chiến dịch Khe Sanh năm 1968, yểm trợ mặt trận An Lộc và chiến trường Gia Lai năm 1972 và chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam tháng 12/1972. Trận Khe Sanh năm 1968 B-52 đã liên tục ném số lượng bom cực lớn khoảng 100.000 tấn bom trong thời gian chưa đầy 3 tháng vào các trận địa của quân đội miền Bắc. Đỉnh cao của các cuộc tấn công B-52 là trong chiến dịch Linebacker II, thực hiện từ 18-29/12/1972. Trong 12 ngày, B-52 (chủ yếu là phiên bản B-52D) đã thả khoảng 15.237 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu khác. Trong chiến dịch này, Không quân Hoa Kỳ đã bị mất 34 chiếc B-52. Đến thời điểm hiện tại, B-52 vẫn là máy bay ném bom chủ lực của Không quân Hoa Kỳ.

Máy bay B-52 ném bom trong Chiến tranh Việt Nam, ngày 5/11/1965. Nguồn: Printerest.