Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện đang tọa lạc tại số 28 đường Võ Văn Tần (phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh). Từ cổng chính của Bảo tàng, nhìn bao quát bên ngoài sẽ thấy đường Võ Văn Tần là một cung đường đẹp và thoáng mát, bởi dọc hai bên đường là những cây cổ thụ cao lớn, những hàng me xanh mướt được trồng san sát nhau, không chỉ tạo mảng xanh cho thành phố mà còn tạo cảm giác dễ chịu cho những ai ghé qua. Giữa thành phố hiện đại, hối hả như Thành phố Hồ Chí Minh, con đường này là một trong những nơi còn lưu giữ nét đẹp thơ mộng, nhẹ nhàng vốn có từ xưa.

Đường Võ Văn Tần dài hơn 2km, được hình thành từ thời Pháp thuộc, bắt đầu từ công trường Quốc tế (Hồ Con Rùa) đến đường Cao Thắng. Lúc đầu đường này mang tên Laclause nối dài. Ngày 24/02/1897 đổi thành đường Testard. Ngày 22/ 3/1955 đổi là đường Trần Quý Cáp. Đến ngày 14/8/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn một lần nữa đổi tên đường là Võ Văn Tần - tên của một nhà cách mạng thuộc lớp những người “mở đường” trong lịch sử đương đại Việt Nam, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Võ Văn Tần sinh tháng 8 năm 1894, xuất thân trong một gia đình nông dân ở Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Lúc trẻ tuổi ông theo học chữ Hán, lớn lên ông xuống Sài Gòn làm nghề thủ công. Từ năm 1924 - 1925 ông tham gia “Hội kín Nguyễn An Ninh”. Năm 1926, ông gia nhập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương). Cuối năm 1929 ông chuyển từ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội sang An Nam Cộng sản Đảng và được cử làm Bí thư chi bộ đầu tiên.

Ngày 04/6/1930, ông trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình tại huyện Đức Hòa, bị thực dân đàn áp trắng trợn, kết án tử hình vắng mặt ông. Đầu năm 1932, ông làm Bí thư đảng bộ Chợ Lớn, Gia Định rồi được cử vào Xứ ủy Nam Kì. Đến năm 1937, ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sắp nổ ra thì ông bị bắt tại Hóc Môn (Gia Định). Đến ngày 28/8/1941, ông bị xử bắn cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, hưởng dương 46 tuổi. Trước lúc hy sinh, tất cả các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu:

“Đảng Cộng Sản Đông Dương muôn năm”

“ Cách Mạng Việt Nam thành công muôn năm”

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, Đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nhiều công trình văn hóa, trường học được vinh dự mang tên Ông, trong đó có con đường nơi Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đang tọa lạc với sứ mệnh giáo dục vì hòa bình, ngăn chặn chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình.