Từ khởi nguồn cho đến ngày nay, dân tộc Việt Nam vốn luôn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Truyền thống nhân văn này được hun đúc từ trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và đã được các thế hệ cha ông ta nối tiếp xuyên suốt từ quá khứ cho đến hiện tại. Ngay cả khi phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước thì toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn canh cánh một khát vọng hòa bình. Và Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc cũng như nâng nó lên một tầm cao mới.
Trong bối cảnh ngặt nghèo của Việt Nam ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 và sau đó là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài đến 30 năm, đường lối ngoại giao vì hòa bình của Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào việc tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với việc công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bịt nòng pháo trên tàu chiến Pháp năm 1946
Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng và tài tình của mình, Hồ Chí Minh nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ với Mỹ đối với nền hòa bình của Việt Nam. Thiết lập và duy trì được một quan hệ tốt đẹp với Mỹ - một trong các cường quốc hàng đầu thế giới, là một tiền đề cần thiết để nước ta có thể duy trì được hòa bình cũng như được ủng hộ và công nhận rộng rãi trên thế giới. Chính vì vậy mà trong những năm trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồ Chí Minh đã tìm cách liên hệ kêu gọi sự ủng hộ của chính phủ Mỹ như thông qua quan hệ với lực lượng OSS, gửi điện cho tổng thống Mỹ đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên những nỗ lực của Người khi ấy đã không được chính phủ Mỹ đáp lại.
Bên cạnh Mỹ, đối với các nước lớn khác như Anh, Trung Quốc. . . Hồ Chí Minh cũng đã tìm cách tạo lập và giữ một quan hệ tốt đẹp. Bởi lẽ Người đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của các nước lớn trong chính trị thế giới và ý nghĩa chiến lược của quan hệ với nước lớn. Họ có vai trò quan trọng đối với vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Riêng đối với nước Pháp, Hồ Chí Minh cũng phân tách rạch ròi rõ bộ phận thực dân xâm lược và những người bạn Pháp yêu chuộng hoà bình. Hồ Chí Minh còn trực tiếp đến Pháp để đàm phán dù khả năng đạt được một giải pháp khả thi giữa hai bên gần như là không có. Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc thương lượng với Pháp với nỗ lực phấn đấu để duy trì hòa bình, dù là mong manh trước những hành động xâm lược, hiếu chiến. Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 trước đó và Tạm ước 14-9-1946 chính là những văn bản thể hiện sự nhân nhượng, thiện chí và mong muốn hòa bình một cách rõ ràng nhất trong chính sách ngoại giao của Hồ Chí Minh và của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vòng hoa viếng mộ chiên sĩ vô danh tại Khải hoàn môn Paris (Pháp) trong ngày Quốc Khánh Pháp 14/7/1946
Trong kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, chính sách ngoại giao vì hòa bình vẫn được tiếp tục và Việt Nam vẫn không ngừng nhận được sự ủng hộ của nhân dân tiên bộ Pháp. Dù chiến tranh đang hồi ác liệt nhưng mỗi khi có cơ hội thì Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc chuẩn bị thế đứng cho đất nước Việt Nam trên trường quốc tế một khi hòa bình đã được lập lại - một việc làm chỉ có thể diễn ra khi có niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi sau cùng tất yếu của nước ta.
Sau 9 năm dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954). Pháp buộc phải kí kết Hiệp định Geneva công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên ngay sau đó, dân tộc Việt Nam lại phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm.
Trong bối cảnh đó, đường lối ngoại giao vì hòa bình của Hồ Chí Minh vẫn được tiếp tục thực thi và đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ, tăng cường đoàn kết với tất cả các lực lượng dân chủ tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trong đó, quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các mối quan hệ của nước ta lúc bấy giờ. Khối xã hội chủ nghĩa là chỗ dựa vững chắc gần như không thể thay thế được cả về tinh thần và vật chất cho Việt Nam trong suốt hai thập niên kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gian khổ. Do đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tích cực chú trọng giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt này ngày càng bền chặt và sâu rộng nữa. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chuyến thăm hữu nghị đến Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, để thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, sự thấu hiểu, tin tưởng, hợp tác, phấn đấu cùng nhau vì hòa bình thế giới, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Điều đặc biệt trong các chuyến đi ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gặp gỡ, trao đổi với các nguyên thủ của nước sở tại nơi các dinh thự, cung điện mà còn thăm viếng, quan tâm một cách thân mật, gần gũi, ấm áp cùng trẻ em, người già, phụ nữ của nước bạn. Đó là một minh chứng tiêu biểu cho nhân cách cao đẹp, sáng ngời của Người, trong đó có cả khát vọng có được hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam và thế giới. Qua đó, các nước xã hội chủ nghĩa càng quý mến, cảm phục dân tộc Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh hơn nữa.
Ngày 31/12/1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Hoàng thân Niphuritsara - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Campuchia quả bưởi do Người trồng trong vườn Phủ Chủ tịch
Dù là một nước nhỏ, vừa được công nhận, lại đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt thế nhưng Việt Nam đã liên tục tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia của nhiều nước, lãnh đạo, đại diện của các tổ chức quốc tế đến viếng thăm. Trong các đoàn khách quý ấy có các nước đang phát triển như Indonesia, Guinea. Giữa các quốc gia này và Việt Nam cùng chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng. Mặc dù những nước này cũng có những vấn đề của riêng mình nhưng họ đã đến với Việt Nam để chia sẻ, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam rất tận tình, chân thành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu tổ chức đoàn kết nhân dân 3 châu lục (Á-Phi-Mỹ la tinh) do ông Osma Niciel Fuegos Tổng thư ký dẫn đầu sang thăm Việt Nam ngày 07/03/1967.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tiếp đón các đoàn đại biểu, các nguyên thủ quốc gia của các cường quốc hàng đầu thế giới như Liên Xô, Anh, Pháp, Đức, thể hiện đất nước Việt Nam, với khát vọng hòa bình và cuộc kháng chiến chính nghĩa của mình đã xác lập được một vị thế quan trọng trên thế giới. Các đoàn đại biểu, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế lớn như Hội đồng hòa bình thế giới, Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ La tinh, Tòa án Quốc tế Brussel, ... cũng đã đến Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ, ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn của Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp hòa bình, độc lập và tiến bộ của thế giới; cũng như giúp đỡ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tỏ rõ sự quan tâm, chia sẻ với những người yêu chuộng và tranh đấu cho hòa bình. Sau khi ông Norman Morrison, một công dân Mỹ đã tự thiêu trước Bộ, Quốc phòng Mỹ vào ngày 2/11/1965 đề phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh, khi không thể trực tiếp đến thăm viếng ông, khích lệ và sẻ chia cùng gia đình ông đã gửi một bức thư cho bà Anne Morrison, vợ của ông với những lời lẽ thân tình ấm áp, quan tâm chân thành như một người thân trong gia đình. Trong thư, Người bày tỏ hành động tranh đấu dũng cảm, phi thường, hi sinh cả bản thân mình để thức tỉnh lương tri của dân chúng và chính phủ Mỹ của ông, một chiến sĩ tranh đấu cho hòa bình, sẽ luôn được nhân dân Việt Nam mãi ghi lòng tạc dạ.
Chân dung ông Norman Morrison, một công dân Mỹ đã tự thiêu trước Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 02/11/1965 để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam
Trong những năm tháng cuối cùng, dù sức khoẻ đã suy giảm nhưng khát vọng hòa bình vẫn cháy bỏng trong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người vẫn miệt mài, kiên trì đường lối đấu tranh vì hòa bình, độc lập và tự do cho Việt Nam và thế giới của mình.
Bưu thiếp chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho bà Anne Morrison sau khi chồng bà tự thiêu phản đối chiến tranh Việt Nam ngày 26/7/1968
Có thể nói rằng, sự chỉ đạo xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và những hoạt động ngoại giao trực tiếp của Hồ Chí Minh xoay quanh trọng tâm là tư tưởng vì hòa bình của Người đã trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển chính là sự thể hiện của khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng của Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp đối ngoại của Việt Nam. Trong thời đại Hồ Chí Minh, những thành quả to lớn mà Việt Nam đã có được trong hai cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong gần nửa thế kỷ qua kể từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, độc lập và thống nhất, chính là sự khẳng định bằng thực tiễn tính chất đúng đắn của đường lối đối ngoại vì hòa bình đó.
Nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp và học tập, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là mong muốn công chúng biết đến khát vọng hòa bình của Người lúc sinh thời, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã tập hợp tư liệu, hình ảnh và đưa đến công chúng bộ triển lãm “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh”, bộ triển lãm đã được trưng bày tại nhiều địa phương, đơn vị, cơ quan, trường học. Triển lãm giúp người xem hiểu đầy đủ và sâu sắc thêm về tư tưởng, tình cảm, nhân cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là khát vọng hòa bình, khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Triển lãm cũng mong được góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm hành động đối với công chúng trong và ngoài nước, nhất là thế hệ trẻ, về tinh thần đấu tranh cho hòa bình và hợp tác, ổn định và phát triển tại Việt Nam và trên hành tinh chúng ta.
(Nguồn tư liệu trong bài viết: Bộ triển lãm: "Khát vọng hoà bình của Hồ Chí Minh" tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh)