Từ năm 1950,  cùng với New Zealand, Australia đã tham gia vào Hiệp ước Anh – Mỹ, sau đó là khối quân sự ANZUS nhằm ngăn chặn sự phát triển của hệ thống Xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Ngày 24/5/1962, Bộ trưởng Quốc phòng Australia tuyên bố ý định của Chính phủ nước này sẽ đưa 30 cố vấn quân sự sang Nam Việt Nam.

Ngày 23/4/1964, Tổng thống Mỹ Johnson chính thức phát động chiến dịch “Thêm nhiều ngọn cờ”, kêu gọi các nước đồng minh ủng hộ chính sách “Quốc tế hóa” cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ bằng cách viện trợ và đưa quân đến miền Nam Việt Nam. Ngày 08/6/1964, Bộ Quốc phòng Australia tuyên bố sẽ gia tăng lực lượng tại Nam Việt Nam.

Quân số của quân đội Australia trong 7 năm tham chiến tại Việt Nam:

 

Ngày 22/10/1965, đã có hàng trăm nghìn người dân Sydney xuống đường biểu tình chống chiến tranh, phản đối chính phủ Australia đưa lực lượng bộ binh sang tham chiến trực tiếp tại Nam Việt Nam. 65 người trong đoàn biểu tình đã bị chính quyền Australia bắt giam. Cũng trong thời gian này, theo báo cáo điều tra của Viện Gallup - Australia, chỉ có 56% người dân Australia ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ và quân đồng minh ở Việt Nam.

Ngày 16/12/1969, hơn 200 nhân viên bán hàng và 32 lãnh đạo nghiệp đoàn lao động đại diện cho hơn 1,5 triệu cử tri Australia đã thông qua nghị quyết phản đối sự tham gia của quân đội Australia trong chiến tranh Việt Nam. Cùng với nghị quyết trên, họ còn ra một nghị quyết khác kêu gọi binh sĩ Australia tại Nam Việt Nam hãy buông súng và khước từ chiến đấu. Ngày hôm sau, Thư ký Hội đồng thương mại Australia đã chỉ trích nghị quyết này và cho đây là những “lời kêu gào nổi loạn”.
Để xoa dịu dư luận và lực lượng đối lập, cũng trong ngày 16/12/1969, Thủ tướng Australia đã đọc một bài diễn văn trên truyền hình, trong đó tuyên bố sẽ có kế hoạch cắt giảm quân tham chiến tại Nam Việt Nam trong năm 1970.

Để phản đối thái độ thiếu dứt khoát của Chính phủ Australia trong vấn đề rút quân khỏi Nam Việt Nam, ngày 08/5/1970, hơn 70.000 người dân đã tổ chức cuộc biểu tình lớn tại Thành phố Melbourne. Ở các thành phố khác cũng diễn ra các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Số người tham gia biểu tình lên tới 120.000 người.

Sau hơn 4 năm được Mỹ giao nhiệm vụ “bình định” tại Long Đất – Bà Rịa, hơn 2 tiểu đoàn Australia đóng quân tại đây đã bị thiệt hại nặng. Dư luận nhân dân tiến bộ trong nước và Quốc hội Australia lên án mạnh mẽ phe hiếu chiến trong Chính phủ đã đẩy nhiều thanh niên Australia vào chỗ chết vô lý. Trước những thất bại trên chiến trường Bà Rịa, cộng với sức ép của dư luận trong nước, đã buộc Chính phủ Australia phải “xuống thang”. Phát biểu trên truyền hình vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 18/8/1971, Thủ tướng Australia - William McMahon chính thức công bố trước Quốc hội quyết định rút tất cả lực lượng tác chiến Australia khỏi miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ tháng 12/1971. Đơn vị hậu cần cuối cùng của quân đội Australia rời Vũng Tàu về nước vào ngày 05/3/1972. Ngày 08/12/1972, đội cố vấn 150 người giữ vai trò huấn luyện đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, kết thúc vai trò tham chiến của quân đội Australia tại Việt Nam.

Biểu tình ủng hộ Việt Nam - thành phố Sydney, Australia, ngày 15/12/1969.

 

Nhân dân thành phố Adelaide, Australia biểu tình phản đối chính phủ đưa quân sang Việt Nam, tháng 10/1968.

 

Thanh niên cảng Sydney biểu tình phản đối chính phủ Australia bắt thanh niên đi lính trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, năm 1966.