Heather Anne Morris sinh ngày 7 tháng 10 năm 1972 tại bang Ohio, Mỹ. Cha bà Heather là Bill Morris, phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1968 - 1970. Ông đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa) từ năm 1968 - 1969. Ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, ông bị buộc tham gia một trận chiến hóa học mà không có dụng cụ bảo hộ. Đây là lần phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đầu tiên của ông. Bill Morris trở về sau chín tháng tham chiến, nhưng chín tháng đó đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.

Trước khi Heather ra đời, bà Sharon mẹ của Heather đã trải qua hai lần sảy thai liên tiếp mà không rõ nguyên nhân. Sự ra đời của Heather vừa là niềm vui, lại vừa là cú sốc lớn đối với gia đình Morris. Cô sinh non hai tháng, nhỏ bé như một con mèo, chân phải cụt tới đầu gối, hai bàn tay thiếu ngón dị dạng, chân trái không có ngón cái và các ngón còn lại thì dính chặt vào nhau. Các y, bác sĩ khuyên cha mẹ Heather chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bởi "khi đứa trẻ dị tật bên ngoài, thì thường nó sẽ dị tật bên trong”. Bà Sharon vô cùng yêu thương cô con gái mình. Trong suốt một thập kỷ bà đã sống với cảm giác day dứt và tội lỗi của người mẹ đã không cho con mình một hình hài lành lặn. Vợ chồng Morris không thể hiểu nổi điều gì đã diễn ra, vì sao mà định mệnh nghiệt ngã đó lại rơi đúng vào đứa con nhỏ bé của họ.

 

Heather Anne Morris lúc còn nhỏ

 

Cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh đã làm thay đổi cách xã hội Mỹ đối đãi với các cựu binh trở về từ chiến trường. Đó là một cuộc chiến tranh mang đầy những nỗi ê chê mà nước Mỹ muốn sớm cho vào quên lãng. Thay vì được chào đón như những người hùng, các cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam như cha của Heather chỉ nhận được sự xa cách, lạnh nhạt của xã hội. Đến nay, các nhà khoa học đã công nhận hơn 40 chứng bệnh có liên quan đến di chứng da cam, trong khi Bộ Cựu chiến binh vụ Mỹ chỉ thừa nhận 15 căn bệnh trong số đó là hậu quả của chất độc da cam. Bà Sharon nói: “Tôi muốn Chính phủ ít ra phải thừa nhận Heather và những đứa trẻ khác như Heather ở đất nước này bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Tôi không cần tiền, không cần chăm sóc y tế, mặc dù sẽ thật tốt nếu Bộ Cựu chiến binh vụ chỉ trả khoản tiền chăm sóc y tế của Heather. Tôi chỉ muốn con gái tôi mãn nguyện khi thấy họ thừa nhận điều họ đã làm, đó là làm cho những đứa con của các cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Họ từng phủ nhận điều này với các cựu chiến binh từ lâu rồi. Giờ tôi muốn họ phải thừa nhận họ cũng đã làm điều đó với con của chúng tôi”.

Bước sang đầu những năm 1980, chất độc da cam ngày càng gây những di chứng rõ ràng lên sức khỏe của ông Bill Morris. Ở tuổi 38, ông trải qua cuộc phẩu thuật tim. Sau đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ở tuổi 40, bị đột quy ở tuổi 48, và năm 1998, ở tuổi 50, ông qua đời sau một cơn đau tim nặng, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Heather Bowser đã không ngừng phấn đấu vượt lên số phận. Bà có bằng thạc sĩ về tư vấn sức khỏe tâm lý. Bà làm nghề tự do và cũng là một họa sĩ đã dùng nhiều cách khác nhau để thể hiện cảm xúc về chất độc da cam/dioxin thông qua các tác phẩm của mình. Mong muốn của Heather là những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trên toàn thế giới sẽ được công nhận và giúp đỡ. Năm 2012 bà thành lập một tổ chức có tên là Hiệp hội vì Sức khỏe cho Con của những Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam (COVVHA). Đây là một tổ chức từ thiện giúp quy tụ tất cả những người bị ảnh hưởng do sự tiếp xúc của cha mẹ với chất độc da cam và bị thương tổn bởi chiến tranh. COVVHA hiện có các thành viên đến từ Mỹ, Australia và Việt Nam.

Heather Anne Morris đã nhiều lần đến Việt nam, chứng kiến và thấu hiểu hết mức độ tàn tật của các em ở làng Hữu Nghị hay khu chăm sóc trẻ em da cam ở Bệnh viện Từ Dũ, nhìn thấy những đứa trẻ nạn nhân da cam ì ạch bước đi với cánh tay, đôi chân, cái lưng méo mó, em còn con mắt, em có cánh tay đẩy xe, em có thể nói ngọng nghịu, các em hợp lại giúp đỡ nhau đã gợi lại quá khứ tuổi thơ của Heather. Bà bị trêu chọc và bắt nạt trong suốt thời đi học. Bạn bè xung quanh thường gọi bà bằng những cái tên như “chân chốt”, “chân gỗ”. Trong những buổi họp mặt, diễu hành đòi bồi thường do hậu quả da cam, Heather vẫn thường mặc chiếc áo in hình gương mặt cau mày cùng dòng chữ “Da cam làm tôi bị bệnh”. Đôi khi cô mặc váy hoặc quần shorts để lộ chân không lành lặn. Heather mỉm cười, nói: “Tôi được dạy không che giấu bản thân mình, tôi cũng được dạy phải bắt mọi người dối diện với sự thật tật nguyền của tôi”.

Heather và những hoạt động của Hiệp hội vì Sức khỏe cho Con của những Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam (COVVHA) do cô ấy lập ra đã và đang góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của các thế hệ nạn nhân da cam không chỉ ở Mỹ mà còn ở Australia và Việt Nam. Bản thân là một người nhiễm chất độc da cam dioxin nên bà Heather thấu hiểu nỗi đau của những người cùng chung cảnh ngộ với mình. Với niềm thương cảm ấy, với mong muốn cùng chia sẻ nỗi đau da cam, ngày 22/4/2019, Heather Bowser đã trao tặng bức tranh nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Tranh của Heather Bowser được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố, kích thước 125cm x 124cm. Heather Bowser vẽ bức tranh này vào năm 1994, khi đang là một sinh viên. Nội dung bức tranh vẽ một cô gái, đang chịu nỗi đau do chất độc da cam/dioxin gây ra khi cô còn nhỏ. Trong bức tranh, cô phơi bày nỗi đau khuyết tật của mình một cách trần trụi cho mọi người xem. Điều gì đã khiến cô phải bị như thế này? Khiếm khuyết, khác biệt về thể chất, một cuộc chiến mà cô không hiểu, một người cha bị đau ốm, một gia đình không giành được công lý, sự tàn nhẫn của bạn bè đồng trang lứa, cuộc sống ở một thị trấn nhỏ và cảm giác cô đơn... Trong bức tranh, cô không thể ngẩng cao đầu vì kiệt sức khi gánh trên vai sức nặng của ảnh hưởng của chất độc da cam xuất phát từ cuộc chiến lên gia đình cô. Bức tranh cũng mô tả sự đơn độc trong suốt tuổi thơ của Heather do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Tranh "Nỗi đau da cam" bà Heather Bowser trao tặng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Heather viết: "Một vài điều mà tôi muốn nói với người phụ nữ trẻ trong bức tranh này: Điều đầu tiên là cô ấy cần phải mạnh mẽ. Đừng sợ hãi bị ruồng bỏ, không có gì chắc chắn rằng điều ấy sẽ xảy ra. Cô ấy sẽ tìm thấy tình yêu, có một gia đình với hai cậu con trai khỏe mạnh. Thứ hai, việc mất đi người cha yêu dấu của mình, vì một căn bệnh liên quan đến chất độc da cam năm 1998, khi ông ấy mới năm mươi tuổi, là điều vô cùng đau đớn. Nhưng chính nỗi đau ấy sẽ mang lại sự kiên cường và khao khát công lý. Chính mất mát đó đã mang đến sự sống cho những phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam, khi mà cô ấy, người phụ nữ trẻ trong bức tranh này, ngẩng đầu lên và bắt đầu những hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam của mình. Thứ ba, tôi sẽ nói với cô ấy rằng, cô ấy chính là cầu nối giữa cac nạn nhân chất độc da cam từ Việt Nam, Mỹ, đến Australia. Cô ấy sẽ đến Việt Nam, kết bạn với mọi người trên khắp thế giới, giúp mọi người nhận thức được những khó khăn mà những người khác cũng đang phải trải qua. Cô ấy sẽ giúp mang lại hòa bình và ánh sáng cho chiếc bóng đen đã đeo đẳng rất lâu bởi cuộc chiến, điều mà cha cô đã hằng mong ước”.

Giao lưu giữa Heather với các nạn nhận chất độc da cam của Mỹ và Việt Nam.

 

Heather luôn giữ tấm di ảnh của cha cô bên mình. Đằng sau tấm ảnh gửi người bạn thân từ thời thơ ấu, ông ấy viết: "Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi được vĩnh viễn cởi bộ quân phục này ra. Và có lẽ một ngày nào đó mọi người trên thế giới này sẽ nhận ra sai lầm, buông bỏ vũ khí và sống với nhau trong hòa bình”.

Heather Anne Morris và bà Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tại Ohio, Mỹ, năm 2018.

 

Trần Thị Kiều

Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm