Trong giai đoạn quân đội Mỹ thực hiện ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, hệ thống báo động đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống máy bay ném bom và bảo vệ an toàn cho người dân.

Qua bài viết “Hệ thống báo động phòng tránh máy bay ném bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam”, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh xin giới thiệu những ký ức về 8 năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ (1964-1972), đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, xí nghiệp truyền thanh Hà Nội đã đưa đầy đủ thông tin đến nhân dân.

Kể từ tháng: 8/1964, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối phó với cuộc chiến trên không của Không quân và Hải quân Mỹ. Năm 1965, chiến tranh không quân leo thang ra toàn bộ miền Bắc, máy bay Mỹ ném bom hệ thông đường sá, cầu cống và các mục tiêu quân sự, công nghiệp và cả các tuyến phố đông dân cư... Từ ngày 18-29/12I1972, Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, huy dộng 193 máy bay chiến lược B-52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại, ném bom, bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Chỉ riêng “Pháo đài bay B-52” đã rải thảm hơn 20.000 tấn bom.

LIFE Magazine April 7, 1967 - NORTH VIETNAM UNDER SIEGE Miền quê tan hoang cảnh giác “máy-bay-mỹ”.

 

Ngay từ những ngày đầu trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân miền Bắc đã chủ động chuẩn bị cho cuộc chiến trên không, nhanh chóng sơ tán nhân dân về các vùng nông thôn, gấp rút xây dựng hệ thống thông tin báo động và hâm hào trú ẩn an toàn cho người dân còn bám trụ ở lại. Hệ thông giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông được duy tu, nâng cấp, củng cố, mở rộng, nhiều cầu phao, bến phà được xây dựng mới bảo đảm giao thông thông suốt. Mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống đài truyền thanh, loa báo động phòng không được triển khai thực hiện đồng bộ, phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.

Để kịp thời chỉ đạo chiến đấu, cung cấp thông tin máy bay Mỹ để nhân dân kịp thời phòng tránh, Bộ Tổng tham mưu thuộc cơ quan Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cho xây dựng Hằm chỉ huy tác chiến T1 trong khu vực Hoàng thành Thăng Long. Bên trên hầm được ngụy trang bằng đống đất gạch đổ nát, tránh sự phát hiện của máy bay do thám. Nhưng dưới hầm được kết cấu 3 vòng tránh được đạn thường, bom từ máy bay B-52 và vũ khí hóa học. Đây là công trình đặc biệt quan trọng của cơ quan quân sự tối cao, thiết kế đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chỉ huy và đảm bảo chỉ đạo thông suốt toàn quân đối với từng đơn vị, từng tỉnh, từng khu vực.

Phòng giao ban tác trong Hầm chỉ huy T1

 

Hầm được chia thành 3 phòng, tổng diện tích 64m2, đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối với khối lượng khoảng 1.000m3. Phòng giao ban tác chiến rộng khoảng 20m2, là chỗ làm việc của trực ban trưởng. Đây cũng là nơi các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội đến làm việc, chỉ huy trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tổng tư lệnh đã làm việc tại hầm T1 trên 7.000 ngày đêm với hơn 1.000 cuộc họp quan trọng. Cũng chính tại hầm T1 đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không toàn thành phó. Từ hầm, mệnh lệnh chiến đấu được truyền tới các đơn vị tên lửa, phòng không, quyết đánh trúng đích, đập tan cuộc tập kích chiên lược của Không quân Mỹ. Lối dẫn xuống hầm sâu khoảng 3m. Phòng trực ban tác chiến rộng khoảng hơn 40m2 là nơi làm việc liên tục 24/24 của kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm.

Hình ảnh Tổng Tham mưu phó và các thành viên Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trình bày kế hoạch bảo vệ vùng trời Hà Nội với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Để đảm bảo việc thông tin được thông suốt khi máy bay ném bom phá hoại liên tục, tại hầm chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thủ đô, có một tấm bản đồ được dùng để theo dõi hướng di chuyển của máy bay Mỹ. Những vòng tròn được vẽ trực tiếp lên bản đồ lấy tâm là Hà Nội, ứng với mỗi vòng tròn là một khoảng cách tỉ lệ máy bay địch vào thành phố theo hướng cụ thể, đến vòng nhất định thì báo động trên khắp thành phố.

Ở nhiều vùng nông thôn, dân quân còn lập ra các chòi gác lưu động trên cao, thay phiên nhau nhau trực để kịp thời báo động khi có máy bay Mỹ xuất hiện.

Hình ảnh mô phỏng tiêu đồ viên trong kíp trực, đeo tai nghe và xác định tọa độ chính xác máy bay B52.

 

Phần lớn công việc thiết lập và truyền phát hệ thống thông tin báo động được giao cho Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội thực hiện. Xí nghiệp đã liên hệ chặt chẽ với Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Thủ Đô, cử người chốt tại Hầm sở chỉ huy T1 và đặt hai đường dây ngầm nối từ hầm sang. Đồng thời cũng đặt một thiết bị, chỉ ấn nút một cái là bắt đầu phát thanh được. Khi nhân viên trực của sở chỉ huy xác định được vị trí máy bay Mỹ trên bản đồ thì nhân viên của Xí nghiệp Truyền thanh sẽ phát báo động lên loa, chuyển đến khắp nội và ngoại thành.

Tại nhiều xã ở Đông Anh (Hà Nội), dân quân trực chiến trên chòi cao, kịp thời báo động khi có máy bay Mỹ xuât hiện. Ảnh: TTXVN

 

Kẻng báo động được làm từ những vỏ bom do máy bay Mỹ ném xuống miền Bắc Việt Nam. 

 

Từ những năm 1960 - 1965, Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội đã xây dựng xong toàn bộ mạng lưới truyền thanh khắp thành phố. Khi cao điểm, có đến 1.730 km đường dây khắp nội thành và ở các huyện, mỗi huyện một trạm riêng và trạm truyền thanh ấy cũng có một hệ thống đường dây tỏa đi khắp tất cả các xã và 6 vạn chiếc loa trong gia đình, ngoài ngõ xóm. Khi ở Bộ Tư lệnh Thủ đô có báo động sang, Xí nghiệp Truyền thanh nhấn một nút là tất cả đều biết là có báo động và họ lập tức phát ra luôn. Vì thế nên hệ thống truyền thanh thông báo tin tức rất kịp thời.

Mỗi trạm máy phát trong hệ thống truyền thanh được đặt ở 2 nơi khác nhau, để đảm bảo rằng nếu trạm máy chính có bị bom phá thì đã có các trạm máy dự phòng. Rồi lại còn một hệ thống lưu động, một xe ô tô với trạm máy phát truyền thanh. Nếu như trạm nào đó, bộ phận nào đó mất, thì xe này đi đến đấy, nối dây vào phát luôn.

Người dân nghe thông tin về tình hình trận “Điện Biên Phủ trên không” từ loa truyền thanh ở đầu phố Bà Triệu, Hà Nội, năm 1972.

 

Sơ đồ bố trí hệ thống loa truyền thanh của Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội, năm 1972.

 

Hệ thống loa phát thanh này lại rất tiện lợi cho địa phương. Khi phát chương trình thành phố thì huyện phải đóng vào để nghe, lúc nào cắt ra từng huyện thì có thể phát thanh riêng cho mỗi huyện. Thậm chí, loa truyền thanh xuống từng hợp tác xã nông nghiệp. Ông chủ nhiệm muốn điều hành công việc của hợp tác xã thì cũng có quyền ngắt ra, nói ở trong xã là đội sản xuất nào hôm nay làm việc ở cánh đồng nào.

Ông Vũ Văn Viễn, Nguyên Giám đốc Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội kể lại:

“Thời gian đầu, chúng tôi lắp cả loa to ngoài đường và loa nhỏ trong từng nhà. Nhưng loa to thì anh nào ở gần nghe ầm ầm, khổ; anh ở xa thì lại nghe không rõ. Cho nên được một thời gian, tôi bảo thôi. Dân dân ta bỏ hết loa to, đưa loa nhỏ vào từng nhà. Có ông nông dân nghe đài bảo, nhà tôi như có cán bộ Trung ương ở trong nhà. Có thính giả thì khen: “Có cái loa này tôi mừng quá, như là có anh thương nghiệp trong nhà, hôm nào được mua cái gì, dùng tem nào phiếu nào, mua ở đâu, bao giờ hết hạn, tôi biết hết”. Hồi đầu mắc loa phải đi hai dây. Thiếu dây, chúng tôi mới làm tắt. Kéo một dây thôi, còn một dây lấy đất. Đất là dây chung. Ở đài phát, chúng tôi cũng cắm một dây xuống đất, còn một dây phát đi”.

Ông Vũ Văn Viễn, sinh năm 1927, Nguyên Giám đốc Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội.

 

Ngày xưa có cái còi của thành phố Hà Nội chuyên phát báo động, nhưng chỉ đủ nghe trong nội thành. Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội đã thu âm tiếng còi ây, rồi thu âm tiêng thông báo. Mỗi khi chuẩn bị có máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội thì sau tiếng còi báo động là tiếng loa vang lên: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội... cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sảng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn.”

Phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn đọc lời báo động khi máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, năm 1972.

Từ năm 1964 - 1972, tất cả là 924 lần báo động. Ông Viễn kể lại: “Không phải lúc nào tiếng thông báo cũng được đọc trực tiếp. Chúng tôi thu âm tiếng đọc thông báo vào băng cối. Lúc nào máy bay địch sắp đến, còi thành phố hụ lên là chúng tôi phát băng ghi âm tiếng còi và tiếng loa”.

Trong những trận đánh phá ác liệt, Hà Nội đã phải hứng chịu hàng tấn bom đạn dội xuống. Các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, nhà thờ, các khu dân cư bị tàn phá nặng nề, Để đảm bảo truyền thanh thông suốt, những cán bộ, công nhân đã vượt qua mưa bom, bão đạn để sửa chữa. Tại trạm phát sóng, không ai rời khỏi vị trí, mọi thao tác chính xác đến từng chỉ tiết, đảm bảo mệnh lệnh phòng không chiến đấu của thành phố được truyền đi khắp. các trận địa, kịp thời báo động để nhân dân xuống hấm trú ẩn an toàn.

Hình ảnh hồ tránh bom trong bài viết “Bắc Việt Nam trong vòng vây hãm” của tạp chí Life ngày 7/4/1967.

Chỉ riêng trong 12 ngày đêm máy bay Mỹ oanh tạc tháng 12/1972, hàng trăm km đường dây bị đứt, hỏng, hàng nghìn chiếc loa ở nội, ngoại thành bị mất tiếng. Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội đã sửa chữa kịp thời, bảo đảm thông tin thông suốt. Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội đã phát, truyền 64 lần báo động, báo an và hàng trăm lần thông báo có máy bay địch. Trong đó, ngày và đêm 21/12 báo động và báo an nhiều nhất (10 lần); ngày và đêm 20/12 có 9 lần; ngày và đêm 19/12 là 8 lần. Lần cấp báo dài nhất là từ 23 giờ 10 phút ngày 19/12 đến 2 giờ ngày 20/12. Hệ thống truyền thanh lúc này đóng vai trò chính trong việc báo động phòng không, vì có thời điểm trước trận “Điện Biên Phủ trên không”, còi Nhà hát Lớn thành phố từng bị hỏng đến 8 ngày, nhưng hệ thống truyền thanh vẫn hoạt động bình thường.

Hãy cùng trải nghiệm âm thanh của một lần báo động chống máy bay Mỹ ở Hà Nội năm 1972 qua đoạn phim tư liệu với giọng đọc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn và bài viết dưới đây nhé!

Bùi Văn Thắng - Đào Thị Quê

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại