Bài phát biểu của Tiến sĩ David Cortright:

Một trong những chương ít được biết đến nhất nhưng lại quan trọng nhất trong lịch sử của phong trào chống chiến tranh Hoa Kỳ là cuộc nổi dậy của những người lính trong quân đội Hoa Kỳ. Tháng 6 năm 1971, Tạp chí Quân đội có uy tín có tên The Armed Forces Journal đã đăng một bài báo mang tựa đề "Sự sụp đổ của các lực lượng vũ trang". Bài báo được viết bởi một Đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, bài viết khẳng định: "Tinh thần, kỷ luật và khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ, với vài ngoại lệ nổi bật, đã xuống thấp hơn và tồi tệ hơn bất cứ lúc nào trong thế kỷ này và có thể cả trong lịch sử của Hoa Kỳ”1.  Trong hầu như mọi ngóc ngách của quân đội, gánh nặng phải tham chiến trong một cuộc chiến không được hoan nghênh, một cuộc chiến không thể chiến thắng đã dẫn đến sự bất bình, xã hội xáo trộn và thể chế phân rã.

Khi tôi biết đến toàn bộ câu chuyện xảy ra ở Mỹ Lai, tôi đang ở trong bộ binh đóng quân tại Trại Bliss bang Texas. Tôi xin nhập ngũ vào năm 1968 xin phục vụ trong nước, hy vọng tôi có thể tránh được cuộc chiến tranh này, nhưng lương tâm của tôi không cho phép như vậy. Mặc dù tôi được đóng quân xa mặt trận, tôi vẫn là một phần của bộ máy quân sự và liên can gián tiếp đến một cuộc chiến tranh mà tôi nhìn nhận là không chính nghĩa và không thể chiến thắng.

Trong quá trình huấn luyện cơ bản, họ cho chúng tôi xem bộ phim tuyên truyền: “Tại sao Việt Nam?” và nghe Tổng thống Johnson huyên thuyên về những mục đích cao cả của cuộc chiến này. Các chỉ huy của chúng tôi đã cố gắng thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ dân chủ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi càng biết nhiều hơn về những gì đang thực sự xảy ra, chúng tôi càng hoài nghi. Khi tôi nói chuyện với những cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến và bắt đầu đọc thêm về lịch sử chiến tranh, tôi đã trở nên vô cùng bất an và lo lắng. Tôi không thể giữ im lặng về những gì tôi biết là sai. Tôi thấy mình phải lên tiếng chống lại cuộc chiến này mặc dù tôi đang là một người lính tại ngũ.

Đây là thời điểm ngày càng có nhiều bất đồng và bất ổn trong quân đội, cũng như trong toàn xã hội. Một phong trào chống chiến tranh lan rộng đang nổi lên trong lính Mỹ tại ngũ. Chúng tôi tham gia vào các cuộc biểu tình đòi hòa bình, ký các kiến nghị chống chiến tranh và xuất bản các tờ báo bí mật tại các căn cứ quân sự và trên tàu chiến.

Tiến sĩ David Cortright hiện đang điều hành Viện Kroc về Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế thuộc Đại học Notre Dame (bang Indiana, Hoa Kỳ). Khi phục vụ trong quân đội giai đoạn 1967 - 1969, ông đã phát hành tờ báo phản chiến lề trái để phân phát cho binh lính ở Trại Fort Bliss, El Paso, bang Texas.Ông là tác giả cuốn sách “Những người lính nổi dậy” (Soldiers in Revolt).

Trại Bliss có một nhóm hoạt động được gọi là Binh lính vì Hoà Bình “GI for Peace”. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc phản kháng chống lại cuộc chiến tranh và có hàng trăm thành viên và người ủng hộ trong quân lính tại căn cứ. Chúng tôi xuất bản một tờ nguyệt báo tên “The Gigline” và có cả một quán cà phê chống chiến tranh của riêng chúng tôi ở trung tâm thành phố El Paso. Khi những người trong phong trào phản chiến của chúng tôi nhận được tin về vụ thảm sát tại Mỹ Lai, chúng tôi đã rất kinh hoàng nhưng không ngạc nhiên. Hàng ngũ của chúng tôi bao gồm cả các cựu chiến binh vừa mới trở về từ các vùng giết người này. Chúng tôi biết cuộc chiến nay đang diễn ra như thế nào: những cuộc hành quân tìm diệt chống lại các làng mạc, các vùng tự do bắn phá và các chỉ huy liên tục thúc giục để có thể đếm được nhiều xác người hơn. Chiến lược quân sự này nhằm đẩy người dân ra khỏi làng mạc tổ tiên của họ và dồn họ vào cái gọi là ấp chiến lược. Chúng tôi biết rằng trong một cuộc chiến tranh như vậy, thương vong của dân thường là một thực tế tất yếu và thường xuyên xảy ra.

Cuộc thảm sát ở Mỹ Lai là cuộc tấn công lớn nhất và khủng khiếp nhất đối với thường dân, nhưng đó không phải là một sự cố đơn lập. Người dân ở khu vực Mỹ Lai và nhiều nơi khác ở Việt Nam thường có thiện cảm với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Khi quân đội Hoa Kỳ bị thương vong trong lúc tìm cách bình định những khu vực như vậy, đôi khi họ đổ lỗi cho dân thường và tấn công người dân vì họ ủng hộ kẻ thù.

Trong nhóm Binh lính vì Hoà Bình “GI for Peace”, chúng tôi đặt trách nhiệm về các vụ thảm sát này lên đầu các chính trị gia và các chỉ huy quân đội. Vâng, sẽ thật là anh hùng nếu binh lính đã từ chối mệnh lệnh bắn vào dân thường, nhưng đòi hỏi như thế là quá sức đối với một người lính bộ binh mới 19 tuổi, sợ hãi và bối rối trong chiến cuộc đẫm máu chống lại cuộc một nổi dậy của dân chúng. Chúng tôi đã nói, trách nhiệm chính của thảm kịch này là ở những người khởi đầu và duy trì cuộc chiến tranh này, chứ không phải những người lính bị bắt buộc phải thực hiện nó.

Nhiều thành viên của chúng tôi tại Trại Bliss đã nổi giận khi một sĩ quan cấp thấp William Calley là kẻ duy nhất bị kết án vì vụ thảm sát này, trong khi tất cả những sĩ quan cao cấp ra lệnh thực hiện cuộc hành quân được thoát tội. Một cựu chiến binh ở đây đã tức giận đến sở cảnh sát El Paso và yêu cầu bị bắt, nói rằng nếu Calley có tội thì anh ta cũng như vậy. Nhóm GIs for Peace đã đáp lại việc này bằng cách triệu tập một buổi điều trần công khai, trong đó cựu chiến binh này và những quân nhân khác đã làm chứng rằng họ cũng đã tấn công thường dân và mô tả những gì họ đã làm.

Mỹ Lai là sản phẩm của một cuộc chiến tranh phi nghĩa mà lẽ ra không bao giờ nên xảy ra trong đó kết cục là các binh sĩ Mỹ đã tiến hành chiến tranh chống lại thường dân Việt Nam mà theo danh nghĩa họ đến để bảo vệ.

Trong số quân Mỹ ở Việt Nam, phản chiến có tổ chức là việc hiếm hoi, nhưng những hành động phản kháng trực tiếp tự phát thì khá phổ biến và xé nát khả năng chiến đầu của quân đội. Đến năm 1970, Bộ binh và Thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam đã chứng kiến những thách thức rộng khắp và các hình thức không hợp tác đã ảnh hưởng đến khả năng hành quân của quân đội. Hình thức phản kháng quan trọng nhất là từ chối chiến đấu. Vào ngày 26 tháng 8 năm 1969, trên trang nhất của tờ New York Daily News đã đăng tiêu đề "Thưa ngài, Lính của tôi không chịu đi!" với phụ đề "Những người lính Mỹ mệt mỏi ở Việt Nam chống lại mệnh lệnh ".

Các bạn có thể thấy hàng tít trên trang đầu của tờ báo này được trưng bày tại Triển lãm này.

Bài báo kể về câu chuyện của sáu mươi lính trong một đại đội bộ binh đóng quân gần Đà Nẵng đã từ chối thẳng thừng mệnh lệnh của chỉ huy. Có rất nhiều trường hợp khác từ chối đi chiến đấu. Một nghiên cứu đã cho thấy có đến 35 vụ từ chối chiến đấu trong Sư đoàn 1 Kỵ binh vào năm 1970. Một số vụ liên quan đến toàn bộ đơn vị. Như vậy trung bình mỗi tháng có đến ba vụ từ chối chiến đấu trong một sư đoàn. Nếu chúng ta suy rộng ra từ những gì xảy ra với Sư đoàn 1 Kỵ binh cho sáu sư đoàn còn lại ở Việt Nam vào thời điểm đó, thì rất có thể là có hàng trăm vụ nổi loạn đã xảy ra trong những năm cuối của cuộc chiến tranh trên mặt đất. Khi các chỉ huy phái các đơn vị của họ ra chiến địa, họ không thể chắc chắn rằng quân lính sẽ làm theo lệnh.

Dấu hiệu khủng khiếp nhất về sự đổ vỡ của lực lượng vũ trang là những “sự cố lựu đạn”, phổ biến là những vụ sĩ quan bị thuộc cấp tấn công bằng lựu đạn. Quân đội bắt đầu ghi chép các vụ tấn công bằng các thiết bị nổ từ năm 1969. Đến tháng 7 năm 1972, tổng số vụ sự cố lựu đạn đã lên đến 551, với 86 người tử vong và hơn 700 thương tích. Mục tiêu của những cuộc tấn công này là sĩ quan và hạ sĩ quan. Tần suất “sự cố lựu đạn” trong Chiến tranh Việt Nam cho thấy một quân đội đang chiến đấu với chính nó. Nó cho ta thấy bằng chứng đau đớn về sự tức giận và sự phân rã xã hội đang xé nát quân đội.

Khi chính quyền Nixon tăng cường các cuộc ném bom sau năm 1969, phong trào phản chiến đã lan sang các thủy thủ và phi công được lệnh tham gia tấn công. Bắt đầu từ năm 1970, số lượng các tờ báo chống chiến tranh trong lính Mỹ, tăng mạnh trong Hải quân và Không quân. Các cuộc phản kháng chống chiến tranh có tổ chức đã bắt đầu xuất hiện trên một số tàu sân bay của Mỹ. Các hạ sĩ quan và thủy thủ trên tàu U.S.S Constellation và tàu U.S.S Coral Sea đã tổ chức ký kiến ​​nghị chống lại việc triển khai quân đến Đông Nam Á.

Đến năm 1971, các hành động phá hoại của thủy thủ đoàn đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong Hải quân. Các số liệu cung cấp cho một Ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã liệt kê 488 vụ "phá hoại hoặc cố ý gây thiệt hại" trong Hải quân trong năm tài chính 1971, bao gồm 191 vụ phá hoại, 135 vụ gây hoả hoạn, và 162 vụ "phá bỏ trái phép". Hai tàu sân bay Mỹ: tàu U.S.S Forrestal và tàu U.S.S Ranger đã bị loại khỏi vòng chiến và phải nằm sửa chữa nhiều tháng vì các hành động phá hoại vào tháng 7 năm 1972. Những vụ phá hoại này gây ra thiệt hại lớn và làm ngưng trệ hoạt động của lực lượng Hải quân.

Sự bất đồng và chống đối chiến tranh cũng xuất hiện trong Không quân. Số lượng báo chí của lính Mỹ ở các căn cứ không quân đã tăng từ 10 tờ vào đầu năm 1971 lên đến 30 tờ chỉ một năm sau đó. Các tiệm cà phê chống chiến tranh đã được mở gần nhiều căn cứ và các cuộc biểu tình và hành động phản đối diễn ra tại các căn cứ hoặc gần các căn cứ không quân vào tháng 4 và tháng 5 năm 1972.

Khi sự chống đối và kháng cự lan rộng trong quân đội Hoa Kỳ, tinh thần chiến đấu và kỷ luật đã sụp đổ. Tôi cho rằng đến năm 1970 quân đội Mỹ ở Việt Nam đã không còn là một lực lượng chiến đấu có thực lực. Đây là một yếu tố trong quyết định của chính quyền Nixon đẩy nhanh việc rút quân. Phong trào chống chiến tranh trong xã hội Mỹ và trong lực lượng vũ trang đã hạn chế các lựa chọn quân sự của Hoa Kỳ và góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh này.

Bài phát biểu của ông Chuck Searcy - Chủ tịch của chi hội 160 của Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình có trụ sở tại Việt Nam:

Xin kính chào toàn thể các bạn,

Xin nhiệt liệt chào mừng các bạn đến với đến phần thứ hai của Lễ khai mạc triển lãm Vì Hòa bình “Waging Peace” này. Tên tôi là Chuck Searcy và tôi là Chủ tịch của chi hội 160 của Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình có trụ sở tại Việt Nam, với một số thành viên sống và làm việc ở Việt Nam và những người khác sống ở bên ngoài Việt Nam, những người này luôn duy trì liên hệ với các nỗ lực nhân đạo để hàn gắn vết thương của chiến tranh, và thường xuyên đến thăm Việt Nam.

Đây là năm thứ 7 Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình của chúng tôi đón các cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam, thăm lại những bãi chiến trường xưa nay đã trở nên trầm mặc và thanh bình, để nhìn lại những thiệt hại nghiêm trọng mà đất nước chúng tôi gây ra cho Việt Nam và thấy được sự hồi phục vẫn đang được diễn ra hàng ngày; để chứng kiến ​​các dự án đang giúp làm giảm nhẹ các di chứng chiến tranh, bom mìn chưa nổ và chất độc màu Da cam / dioxin.

Không phải mọi khách du lịch Mỹ, và không phải tất cả cựu chiến binh Mỹ đều muốn biết sự thật về chiến tranh Việt Nam. Nhưng tôi vui mừng nói với các bạn rằng phần lớn số này đều đã tìm kiếm sự thật, và sự thành công của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh này là bằng chứng về sự quan tâm đó. Với hơn một triệu du khách mỗi năm, đây là bảo tàng được nhiều người ưa thích nhất trên cả nước.

By Chuck là Chủ tịch Chi hội 160 của Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) tại Việt Nam. Ông cũng là nhà đồng sáng lập Dự án RENEW giúp dọn dẹp bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị. Cùng với David Clark, ông là người dẫn đầu đoàn các cựu chiến binh Mỹ thuộc tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình đến Việt Nam năm nay.

Chuyến viếng thăm năm nay của các Cựu chiến binh vì Hòa bình là chuyên thăm lớn nhất từ ​​trước đến nay. Đã có 24 cựu chiến binh và 15 người bạn, thành viên gia đình, các nhà hoạt động vì hòa bình đã hội nhau tại Hà Nội 16 ngày trước dây. Sáu thành viên nữa của Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình và các đồng nghiệp khác đã cùng chúng tôi đến Sơ Mỹ để tham gia lễ kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ Lai và thêm năm người nữa đã tham gia cùng chúng tôi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã từng phục vụ trong Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. Một số người đã từ chối không đi Việt Nam, một số đã tìm cách để chống lại khi họ đến Việt Nam. Một số người đã bỏ để lại phía sau gia đình và bạn bè và sống lưu vong ở Canada, Pháp và Thụy Điển. Tất cả chúng tôi đều đã tìm cách chống lại và cố gắng ngăn chặn cuộc chiến tranh này trong khi chúng tôi còn đang mặc quân phục hoặc sau khi chúng tôi giải ngũ.

Trong vài phút nữa, các bạn sẽ được nghe một số câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng được nghe những câu chuyện từ những người bạn Việt Nam của chúng tôi, những người đã chiến đấu với danh dự và niềm đam mê để giải phóng quê hương khỏi một cường quốc nước ngoài khác. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vào cuối chuyến thăm của chúng tôi cuộc đối thoại này sẽ được ghi nhớ là một trong những trải nghiệm mạnh mẽ nhất của chuyến đi của chúng tôi.

Chúng tôi đã lên kế hoạch chỉ họp nửa ngày này để cho phép chúng tôi được nghỉ sớm và ăn trưa thoải mái tại một nhà hàng gần đây nơi chúng tôi có thể tiếp tục nói chuyện thân mật hơn. Chúng tôi mời các đối tác Việt Nam của chúng tôi, các cựu chiến binh của các trận đánh và của phong trào kháng chiến vì độc lập tham gia với chúng tôi như là khách mời của chúng tôi. Vì vậy, khi phiên sáng nay kết thúc, xin các bạn đừng về nhà. Hãy ở lại chung vui.

Chúng tôi sẽ có thêm nhiều câu chuyện để chia sẻ, cùng với một số món ăn rất ngon.