Trong lịch sử nhân loại, ký ức là một phần của lịch sử, cũng là một phần quan trọng hình thành nên giá trị của con người. Ký ức con người là một loại hình di sản đặc biệt, vô giá, không thể đong đếm được.T.S Lê Thị Minh Lý- Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã từng phát biểu “Việt Nam đã, đang và cần nhận diện rõ hơn nữa giá trị di sản này để có giải pháp sưu tầm, lưu trữ, bảo vệ và phát huy giá trị”. Hiện nay, cùng với việc phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, di sản ký ức càng cần phải có những giải pháp cụ thể để phát huy, bảo tồn giá trị, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 gây nhiều trở ngại cho ngành Di sản.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (viết tắt Bảo tàng CTCT) là một trong những nơi lưu giữ những ký ức như vậy, điều này đã đòi hỏi bảo tàng phải có những đổi mới hơn nữa trong sưu tầm và trưng bày để giới thiệu lịch sử một cách sinh động hơn, không chỉ là những phòng trưng bày đơn thuần mà đây là không gian đầy ắp ký ức về một thời không bao giờ quên trong tiềm thức của những người dân Việt Nam, mang đến cơ hội học tập, trải nghiệm và chạm đến cảm xúc của du khách. Trong thời gian vừa qua, Bảo tàng CTCT đã thông qua không chỉ hiện vật mà còn có những câu chuyện kể - một phần của di sản ký ức để truyền tải thông điệp hòa bình. Điều này đã được xác định ngay từ những ngày đầu thành lập, và cũng ngần ấy thời gian đội ngũ VC - NLĐ của bảo tàng đã cố gắng phát huy giá trị của di sản ký ức này.

Trong thời đại toàn cầu hóa, công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện để các bảo tàng nói chung và Bảo tàng CTCT nói riêng có thể lan tỏa hơn nữa giá trị di sản ký ức thì cũng chính là lúc nhiều khó khăn, thử thách xuất hiện, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn ra trên toàn cầu. Thời điểm mà con người muốn giao tiếp với nhau phải cần có một khoảng cách nhất định, thậm chí có lúc hầu hết mọi hoạt động đều dựa trên nền tảng online. Đối với công tác tại các bảo tàng lại càng khó khăn hơn khi trước đây hầu hết hoạt động đều diễn ra trực tiếp, được tổ chức trong môi trường cộng đồng, tập thể. Điều đó đòi hỏi Bảo tàng phải có những biện pháp để thích ứng với tình hình mới, vừa đảm bảo nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh vừa đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ký ức.

Từ tình hình thực tế này, Bảo tàng CTCT đã cố gắng thể nghiệm nhiều giải pháp để đảm bảo không gián đoạn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, sử dụng những tiến bộ trong thời đại số để hỗ trợ cho việc lan tỏa giá trị hòa bình, giúp kết nối công chúng với các nhân chứng chiến tranh - chủ thể của di sản ký ức. Chương trình tham quan trực tuyến là một trong những giải pháp mà Bảo tàng CTCT đã thực hiện trong gần một năm đại dịch Covid - 19 bùng phát tại Việt Nam. Chương trình tham quan trực tuyến này được xây dựng dựa trên giá trị di sản mà Bảo tàng đang có kết hợp cùng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng thông qua nền tảng công nghệ. Những chương trình tham quan trực tuyến đã diễn ra với những cuộc hội ngộ có thể cách nhau vài chục km, thậm chí là hàng ngàn km, không giới hạn quốc gia, vùng lãnh thổ nào, không giới hạn số lượng, vì có những nền tảng số có thể kết nối hàng ngàn người trong cùng một thời điểm. Như vậy, du khách từ mọi nơi của Việt Nam hay trên khắp thế giới đều có thể tiếp tục tìm hiểu di sản ký ức tại Bào tàng CTCT trong thời đại Covid này. Thời gian vừa qua, Bảo tàng bước đầu đã phục vụ cho đối tượng học sinh, sinh viên và du khách Nhật Bản, sắp tới sẽ phục vụ cho du khách Malaysia và sẵn sàng phục vụ cho tất cả công chúng khi có nhu cầu và liên hệ với Bảo tàng với mức phí ưu đãi chưa từng có.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khi chỉ cần một cú chạm nhẹ vào màn hình điện thoại là hàng ngàn thông tin hiện ra thì du khách của di sản ký ức cũng cần tiếp cận những thông tin chính thống, có nguồn gốc rõ ràng, và tốt nhất là nên tiếp nhận thông tin từ chính nơi đã có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và trưng bày loại hình di sản ký ức về tội ác chiến tranh - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của đội ngũ VC - NLĐ của Bảo tàng trong thời gian qua, tuy nhiên cũng phải thừa nhận sự thật rằng hiện nay, các bảo tàng trên thế giới nói chung và các bảo tàng khác tại Việt Nam đã ngày càng phát triển nhanh chóng, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào công tác trưng bày và tiếp cận du khách. Theo Fast Company, đã có 2.500 bảo tàng và phòng trưng bày trên khắp thế giới hợp tác với Google Arts and Cultural để mang đến cho công chúng những chuyến tham quan ảo và triển lãm trực tuyến trong thời gian diễn ra đại dịch Covid - 19, trong đó có những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới như Bảo tàng Anh, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại và hiện đại Seoul, Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia Mỹ, v.v.. Bảo tàng Louvre của Pháp cũng triển khai tham quan không gian thực tếảo ngay tại website của bảo tàng.

Đại dịch Covid -19 giống như một phép thử đối với sức sống của các giá trị di sản nói chung và di sản ký ức nói riêng, để các giá trị này luôn sống mãi trong lòng du khách tham quan thì nội dung là điều cốt lõi, còn phương tiện và cách thức truyền tải chính là cánh cửa để chạm đến cảm xúc của du khách. Do đó đội ngũ VC-NLĐ của Bảo tàng vẫn đang nỗ lực từng ngày để làm giàu thêm nội dung và làm phong phú, sáng tạo và hiệu quả các cách thức truyền tải nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản ký ức, lan tỏa giá trị hòa bình đến với công chúng trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh về chương trình tham quan trực tuyến tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh:

Chương trình tham quan và giao lưu trực tuyến với nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Đức phục vụ khách Nhật Bản

 

 

 

 

 

 

Chương trình tham quan trực tuyến phục vụ sinh viên trường Đại học Ngoại thương