“Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân.” - Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc ngày 5/2/1953.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho có nguồn gốc nông dân nên Hồ Chí Minh rất thấu hiểu cuộc sống nô lệ bần cùng của người dân trong đó có đại bộ phận là nông dân Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng đã nhận định: "Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng", và thực tế, giai cấp nông dân đã đóng vai trò vừa tham gia sản xuất vừa chiến đấu trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trở thành lực lượng chính trong Mặt trận Việt Minh tham gia đấu tranh chống cướp ruộng đất, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh, chống thu thuế; biểu tình chống Nhật và vũ trang đánh Nhật - Pháp.

 

Cảnh khổ cực của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ảnh tư liệu
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chinh-quyen-thuoc-dia-phap-voi-nong-nghiep-viet-nam.html

 

 

Dân công tỉnh Phú Thọ gánh gạo phục vụ Chiến dịch Trung du năm 1950-1951. Ảnh tư liệu.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xay-dung-can-cu-dia-can-cu-hau-phuong-trong-khang-chien-chong-phap-647623

 

 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hàng vạn thanh niên nông thôn hai miền Nam - Bắc cùng với toàn dân thực hiện lời kêu gọi: “Kháng chiến, kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lên đường tòng quân ra trận. Hàng chục triệu nông dân đã đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; “Phong trào thi đua ái quốc, sản xuất lập công, đề cao chiến sỹ”. Tại các vùng tạm chiếm, các Hội Nông dân đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như: “Bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất, tranh thủ thu hoạch và cất giấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến” góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, kết thúc gần một thế kỷ chịu ách áp bức, xâm lược của Pháp.

 

Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thanh Hóa vừa sản xuất nông nghiệp, vừa sẵn sàng chiến đấu (năm 1965). Ảnh: Tư liệu

Sau khi Pháp rút quân, Mỹ đã thay thế và thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam. Lực lượng giai cấp nông dân lại tiếp tục vừa tham gia sản xuất vừa chiến đấu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu thanh niên nông thôn miền Bắc lại lên đường nhập ngũ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng chục triệu nông dân với khẩu hiệu “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, xây dựng vững chắc hậu phương, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân của Mỹ. Tại miền Nam Việt Nam, địa bàn nông thôn luôn là trận địa, là đối tượng giành giật giữa hai phía. Giai cấp nông dân từ cuộc đấu tranh chống tố cộng, chống cướp bóc, chống chiếm đoạt, nông dân đã đứng lên khởi nghĩa vũ trang hình thành phong trào Đồng khởi tạo điều kiện cho xây dựng lực lượng để đánh thắng những chiến lược của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong đó có chiến lược “Gọng kìm bình định nông thôn”, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7/1960). 

Ngay từ khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm của mình cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là giai cấp nông dân. Bên cạnh việc ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa bất công của chính quyền Pháp, giảm tô 25% và chia ruộng đất của thực dân, phong kiến cho nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành thời gian hơn 700 lần đến thăm hỏi đời sống, sản xuất của người dân, đi đến đâu cũng gần gũi với nông dân lao động, sản xuất và xuống tận bờ ruộng nói chuyện với họ, uống từng bát nước vối mà người dân mời... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khuyên đồng bào vào Tổ đổi công, vào Hợp tác xã, làm chung, hưởng chung sẽ có nhiều cái lợi ích chung; luôn muốn lãnh đạo cơ sở báo cáo sự thật, tránh bệnh thành tích ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân như câu chuyện “Để Bác tự đi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi con đường riêng, không theo con đường cán bộ địa phương vạch sẵn vì “để Bác tự đi để biết đúng thực tế, có lẽ ở đó các chú đã bố trí rồi”…, có như vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sâu sát, cụ thể với người nông dân chân chất, một nắng hai sương về đối tượng muốn tìm hiểu. Bên cạnh quan sát, vạch ra những khuyết điểm của những cán bộ vì nặng thành tích để trung thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trách nhiệm hơn với công việc, với người nông dân, biết rõ cách làm ăn, cách sinh sống, cách tổ chức cuộc sống cho đồng bào ở các Hợp tác xã, đi đến đâu cũng căn dặn đồng bào phải có giống tốt, có nhiều nước, nhiều phân thì năng suất mới cao. Khắc ghi lời dặn, nông dân Việt Nam thi đua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là kháng chiến và kiến quốc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954.

Hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những tình cảm sâu nặng, những lời dạy bảo ân cần và mong muốn của Người vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí mỗi người nông dân Việt Nam. Những năm qua, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Người nông dân Việt Nam không chỉ giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp mà còn phát huy vai trò chủ thể hiến đất, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cảnh quan, môi trường nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Đặc biệt hơn trong cuộc chiến với giặc COVID - 19 hôm nay, người nông dân Việt Nam càng phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vững vàng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thi đua sản xuất góp phần chiến thắng đại dịch.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản tại Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - Ảnh: TTXVN

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang)

Nguồn: danviet.vn