Kỳ 1

Trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, các loại vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh không phát huy hiệu quả đối với loại hình chiến tranh du kích của quân đội Bắc Việt và do Mặt trận dân tộc giải phóng lãnh đạo. Nhằm thoát khỏi thế bị động và cắt đứt viện trợ từ miền Bắc vào miền Nam, quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hóa học kéo dài trong vòng 10 năm, từ năm 1961 - 1972.

Đầu năm 1961, Tổng thống Kennedy và Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã phê chuẩn nhiều dự luật, trong đó có 2 điều khoản liên quan đến sử dụng chất khai quang ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, toàn bộ kế hoạch khai quang do Bộ Chỉ huy quân sự Hoa Kỳ, phái đoàn viện trợ Hoa Kỳ MACV và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam quyết định. Tháng 6/1961, Trung tâm thực nghiệm và phát triển khả năng tác chiến hỗn hợp Việt-Mỹ được thành lập ở Sài Gòn, thử nghiệm những chất diệt cỏ và chất làm rụng lá cùng các phương tiện sử dụng vũ khí hóa học ở miền Nam. Đồng thời, thành lập Ủy ban 202, kết hợp từ hai bí số: "Kế hoạch công tác số 20" và "Kế hoạch công tác số 2" với mục tiêu cụ thể:

- Sử dụng chất độc hóa học khai quang rừng rậm, làm trụi lá cây để quan sát, phát hiện nơi đóng quân của lực lượng vũ trang đối phương;

- Sử dụng chất diệt cỏ khai quang dọc các trục lộ giao thông huyết mạch, đồn bót, quanh các sân bay và các căn cứ quân sự bảo đảm an ninh cho Mỹ và đồng minh;

- Sử dụng chất độc hóa học khai quang triệt hạ và phá hoại mùa màng để cắt đứt nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm của đối phương.

Từ tháng 7-12/1961, chất độc hóa học và các thiết bị khai quang liên tục được đưa đến miền Nam Việt Nam bằng đường biển và đường hàng không với một đội ngũ tàu vận tải biển như tàu American, Gracer, Overseas Suzanne, ... cập bến phà Tân Lâm (Biên Hòa), cảng Nha Trang, Cam Ranh, Quy Nhơn và Đà Nẵng. Hóa chất được vận chuyền dự trữ tại Kon Tum, sau đó đưa đến các sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng.

Các thùng chứa chất khai quang được chuyển lên máy bay tại sân bay Đà Nẵng. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Căn cứ không quân tại Nha Trang với bảng hiệu chiến dịch “Ranch Hand”. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Vào tháng 12/1961, Tổng thống Kennedy phê duyệt chính sách sử dụng thuốc diệt cỏ. Đến ngày 12/01/1962, nhiệm vụ phun rải chất khai quang đầu tiên của Không quân Hoa Kỳ được tiễn hành ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam kéo dài hơn 10 năm, qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (từ 1961 - 1965): Mỹ thử nghiệm và cho sử dụng một cách bí mật các chất diệt cỏ để khai quang. Dưới danh nghĩa dùng đề phát quang các vùng đất dùng làm đường băng, chiến dịch phun rải chất diệt cỏ và chất độc khai quang, mang mật danh "Chiến dịch Hades" sau đồi tên thành "Chiến dịch Ranch Hand" (còn gọi là Bàn tay nông trại) đã được quân đội Mỹ ráo riết thực hiện.

- Giai đoạn 2 (từ 1965 - 1972): quân đội Mỹ và quân đội đồng minh của Mỹ công khai sử dụng chất độc khai quang và nhiều loại hơi độc quân sự nồng độ cao. Chỉ tính riêng trong 3 năm (từ 1967 đến đầu năm 1969) quân đội Mỹ đã phun rải 3⁄4 tổng khối lượng chất độc hóa học trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhiều phương tiện hiện đại như máy bay vận tải cỡ lớn C-123, máy bay UC-123B, ... đã được quân đội Mỹ sử dụng để phun rải, phát quang các vùng đắt trên diện rộng.

Từ 1961 - 1972, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải chất khai quang, phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam - chứa 366kg dioxin - xuống 1⁄4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, hủy diệt hơn 3,06 triệu ha rừng và đồng bằng. Mật độ phun rải trung bình vượt gấp khoảng 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp.

Như vậy, Mỹ đã kí vào Nghị định thư Geneve vào năm 1925 cam kết không sử dụng tất cả các loại vũ khí hóa học, nhưng đến năm 1961, Mỹ đã gần như thử nghiệm xong các chất độc hóa học khác nhau để đưa vào sử dụng trong các chiến dịch khai quang ở miền Nam Việt Nam.

Còn tiếp...