Chiến tranh Việt Nam vốn được xem là một cuộc chiến mà nước Mỹ hao tốn nhiều tiền của và nhân lực nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc chiến tranh ấy, ngoài lực lượng quân đội chính quy của Mỹ còn có quân đội các nước đồng minh với Mỹ như Úc, Philippine, Tân Tây Lan, Thái lan và Nam Triều Tiên cùng đưa quân tham chiến tại miền Nam Việt Nam.
Sau sự kiện Mậu Thân năm 1968, chính quyền Mỹ đã bắt buộc phải xuống thang chiến tranh do áp lực của nhân dân và Quốc hội Mỹ. Tháng 3 năm 1968, Tổng thống đương nhiệm Lyndon B.Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử Tổng thống, và đến tháng 10 năm 1968 Lyndon B.Johnson tuyên bố ngừng các cuộc oanh tạc trên không, trên biển và đại pháo vào miền Bắc. Chính quyền Mỹ bắt đầu ngồi vào bàn Hội nghị Paris để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nhân dân Mỹ thì rầm rộ xuống đường biểu tình. Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ngày càng bùng lên mạnh mẽ không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới...
Tại Úc, hoạt động biểu tình cũng diễn ra sôi nỗi khắp các thành phố lớn, nhỏ. Một trong những thành phố diễn ra các cuộc mittinh, diễu hành là thành phố Adelaide - miền Nam nước Úc. Trong hai năm 1970 - 1971, chàng thanh niên Michael Lawrence Vogt đã nhiều lần tham gia cùng các đoàn diễu hành phản đối chiến tranh Việt Nam. Theo luật pháp nước Úc, người dân được phép biểu tình một cách hợp pháp, vì vậy các áp phích, huy hiệu chống chiến tranh được bày bán và sử dụng công khai. Các huy hiệu thường có nội dung châm biếm đối với chủ trương tham chiến tại Việt Nam của chính quyền Úc lúc bấy giờ.
Năm 1972, trước tình hình thất bại ngày càng thảm hại của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, Thủ tướng Úc Edward Gough Whithlam chủ trương giảm dần số lượng quân nhân phục vụ ngoài nước Úc. Chàng trai Michael Lawrence Vogt khi ấy vừa tròn 20 tuổi đã nhận được giấy chứng nhận nhập ngũ của chính phủ Liên bang Úc. Tuy nhiên, hình thức tuyển chọn quân của chính phủ Úc lại là lựa chọn ngẫu nhiên như kiểu quay xổ số, chọn ngày sinh và tháng sinh trong tổng số lượng những người được thông báo nhập ngũ. Những ai không bị quay số trúng sẽ nhận được thông báo miễn nhập ngũ của chính phủ. Ông Michael Lawrence Vogt là một trong số những người không bị điều động tham chiến tại Việt Nam. Ngày 30/3/1972 ông nhận được thông báo miễn nhập ngũ của chính phủ.
Ngày 31/12/2018, Ông Michael Lawrence Vogt đã chia sẻ với Bảo tàng về những lần ông tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam tại quê hương ông, Ông gửi tặng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hai huy hiệu phản chiến mà ông đã sử dụng khi tham gia biểu tình; giấy chứng nhận nhập ngũ và giấy thông báo miễn nhập ngũ của mình. Ông cũng kể câu chuyện vê hình thức tuyển quân và ông đã khẳng định mình thật sự là người đàn ông may mắn vì đã không được chọn lựa để phải tham gia cuộc chiến Việt Nam vào năm ấy. Cuộc chiến tranh đã qua đi vết thương chiến tranh đã dần dần hồi phục, những vị khách phương xa đến với Bảo tàng mang đến những câu chuyện, những hiện vật đầy ý nghĩa, càng làm cho chúng ta trân quý hơn những giây phút thanh bình trên thế giới, để cùng nhau chung tay gìn giữ nền hòa bình này.
Giấy chứng nhận nhập ngũ
Thông báo miễn nhập ngũ
Huy hiệu phản chiến được ông Michael Lawrence Vogt sử dụng khi tham gia biểu tình tại Adelaide - Úc