“Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số về phía Nam. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn. . .”
Mỗi khi nghe tiếng phát thanh viên và tiếng còi báo động phát ra từ hệ thống loa truyền thanh, ngay lập tức người dân sẽ chạy xuống hầm trú ẩn để tránh bom đạn được thả từ các cuộc không kích của quân đội Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Việc này diễn ra thường xuyên, đến mức trở thành thói quen của người dân miền Bắc trong suốt những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ.
Những chiếc hầm trú ẩn đầu tiên vốn được người dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) sử dụng trong khoảng năm 1958 để tránh những trận bom dày đặc của không quân Mỹ. Ban đầu người dân học được từ bộ đội, nhưng vì nền đất yếu nên bị sập xuống hết khi gặp xung chấn của những vụ nổ bom. Từ đó, người dân nghĩ ra cách lấy tre đan lóng đôi thành những tấm phên lớn rồi đào chiếc hố có đường kính chừng 80cm, sâu 1,2 - 1,5 mét, thả phên xuống làm vách, phía trong trát bùn đất làm cho hố thêm vững chắc, bên trên có thêm một cái nắp bằng cui rơm chống mảnh văng. Chiếc hố cá nhân này đã có thời gian dài thử thách với bom Mỹ và cho thấy hiệu quả chống đỡ rất tốt. Tuy nhiên, hố này chỉ dùng cho thanh niên, còn cụ già và trẻ nhỏ thì ngồi trong những chiếc lều chăn vịt được đắp đất xung quanh dày đến 80 cm, hai đầu cửa vào còn có hai đống đất để chống mảnh văng.
Lúc bấy giờ, trước nguy cơ không quân Mỹ đánh rộng ra các tỉnh miền Bắc, Trung ương Đảng đã chủ trương nghiên cứu xây dựng các công trình phòng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, đặc biệt là giảm tối đa thiệt hại về con người. Để thực hiện chủ trương đó, ông Phan Đức Sử, Tham mưu trưởng Trung đoàn công binh 229, được cử sang làm chuyên gia giúp Hội đồng Phòng không nhân dân Trung ương và được gặp Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Ban kiến thiết cơ bản Nhà nước để nhận nhiệm vụ. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa nói: “Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí vào Vĩnh Linh nghiên cứu xem hầm trú ẩn của nhân dân ta chống bom Mỹ trong thời gian qua, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án. Làm sao để đến năm 1962 toàn dân ai cũng có hầm trú ẩn ”.
Ông Phan Đức Sử thời trẻ
Sau khi đến Vĩnh Linh khảo sát, ông Phan Đức Sử đã cải tiến hai loại hầm trú ẩn của người dân, trong đó, chiếc lều chăn vịt được hạ sâu xuống lòng đất chừng 20 phân để chống áp lực của bom và được đặt tên là “hầm vỉ kèo” hay “hầm chữ A”. Do không hợp với địa hình thành phố nên hầm vỉ kèo chỉ được triển khai ở nông thôn. Hầm vỉ kèo phải được gia cố thanh xà, đặt âm dưới đất, tùy theo địa hình, nhưng nóc hầm chỉ nên cao hơn mặt đất chừng 50cm, đắp đất dày. Hầm vỉ kèo chỉ cần một cửa lên xuống, phải làm bậc để người già, trẻ nhỏ dễ cơ động.
Một cậu bé trốn trong hầm trú ẩn. Ảnh: Author Thomas Bill Hardt
Trẻ em bên cửa hầm tránh bom chữ A. Ảnh: NDN (Nhật Bản)
Dựa trên kết quả nghiên cứu của ông, Xí nghiệp xi măng Vĩnh Tuy đã chế tạo hàng loạt hấm cá nhân bằng xi măng, còn gọi là “hầm tăng xê”, đề triển khai trên khắp địa bàn thành phố. Trong một thời gian ngắn đã có hàng vạn chiếc hầm được xuất xưởng.
Nhà báo Mỹ Charles Collingwood của hãng CBS News đứng giữa những ống bê tông dùng làm hầm tránh bom, Hà Nội tháng 4/1968
Những chiếc ống đề làm “hầm tăng xê” có đường kính khoảng. 80cm, kết cấu giống như đúc ống cống ngày nay, với vật liệu rất đơn giản bao gồm xỉ than, vôi, cát, xi măng. Mỗi chiếc hầm được đào sâu dưới lòng đất, gồm 2 ống ghép lại được hố sâu 1,2 mét. Ống phía dưới có đáy, có rốn múc nước. Ống phía trên có một phần khuyết đề làm bậc lên xuống. Phía trên có nắp đậy được đúc bằng bê tông cốt thép, rất chắc chắn. Cứ 20m có một căn hầm nằm so le nhau hai bên vỉa hè, hầu như trước cửa nhà nào cũng đều có một chiếc.
Người dân Hà Nội túc trực bên hầm tránh bom trước khách sạn Metropole, phố Ngô Quyền, khi còi báo động vang lên, 1967. Ảnh: Lev Porter/TASS/Getty
Hầm tránh bom trên hè phố Hải Phòng năm 1972
Hội đồng Phòng không nhân dân Trung ương còn phối hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng để hướng dẫn mọi người dân tự làm hầm cá nhân và hướng dẫn cách ngồi trong hầm cá nhân. Theo đó, tư thế ngồi đúng là ngồi xôm, hai tay đặt khuỷu trên đầu gối, dùng bàn tay che tai, đầu hơi cúi xuống, không được ngồi dựa vào vách hó. Khi có báo động, nếu ở nhà thì chạy ra đầu ngõ, nếu đang trên đường thì dừng lại tìm một cái hầm gần nhất và nhảy xuống.
Những hầm cá nhân được đào ở khắp nơi để có thể trú ẩn bất cứ lúc nào có báo động. Ảnh: NDN (Nhật Bản)
Bên cạnh đó, các hầm trú ẩn tập thể cũng được xây dựng. Nhiều khu tập thể xây dựng những hầm chữ A với diện tích rộng. Trong hầm, người dân còn kê những chiếc phản, để sẵn chăn, màn, giường chiếu cùng các lu nước đầy. Nhiều nơi như ở tập thể Nguyễn Công Trứ, quanh Bờ Hồ, gần Nhà hát Lớn... còn có hầm chữ A tránh bom tập thể. Hà Nội có một căn hầm tránh bom khá đặc biệt xây nửa nổi trên mặt đất được đặt ở trung tâm Vườn hoa Chí Linh, nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ với diện tích khá rộng có lối thông ra khu nhà bát giác.
Những hầm cá nhân được đào ở khắp nơi để có thể trú ẩn bất cứ lúc nào có báo động. Ảnh: NDN (Nhật Bản)
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Hà Nội, trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ, chỉ tính riêng ở Hà Nội đã đào được 40 vạn hầm cá nhân và 9 vạn căn hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn an toàn cho 90 vạn người. Đề đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã chỉ đạo: “Yêu cầu đặt ra của thành phố là mỗi người bám trụ lại Hà Nội phải có 3 hầm trú ẩn: tại nhà, ở cơ quan và trên đường phố”.
Ngoài ra, ở những khu vực gần núi đồi, người dân còn tận dụng những hang đá tự nhiên đề làm hầm trú ấn mỗi khi máy bay Mỹ kéo tới ném bom.
Nỗi lo bom đạn trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân từ khi mới sinh ra và sống qua thời chiến tranh. Nhớ lại thời kỳ đó, bà Trịnh Thanh Hằng, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, cho biết:
“Cái nỗi lo nó thấm sâu vào từng thớ thịt, trong mỗi giấc ngủ. Đêm ngủ, tôi mặc tất cả áo ấm cho Phong, để nhỡ phải xuống hầm thì con không bị cảm lạnh. Con trẻ thời chiến khổ thế. Phong sinh năm 1966, sinh ra đã bom đạn như thế rồi. Thằng bé nói rất sớm, chín tháng đã nói sõi. Ngoài “bố, mẹ” thì từ đầu tiên nó biết là “chạy”. Mỗi khi nghe máy bay, Phong bảo “ú...ú...”, bắt chước tiếng máy bay, rồi gọi: “Mẹ...mẹ…bố...bố…chạy... chạy...chạy..., giơ tay đòi lên”
Nhiều nhà trẻ được sơ tán vào các hang đá để tránh bom đạn. Ảnh: NDN (Nhật Bản)
Kế về một thời sống dưới bom đạn Mỹ, bà Phạm Thị Viễn, khi đó là tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động, cho biết:
“Năm 1967, trên đường đi chợ, mẹ tôi đã nhường hầm trú ẩn cho một cháu bé, bà bị trúng bom bị vào sọ não mất ngay tại cửa chùa Linh Ứng. Bản thân tôi lúc ấy cũng bị một viên bom bị sượt qua cổ phải nhập viện. Ngay sau đó, tôi đã nộp đơn xin vào đội tự vệ của nhà máy”.
Hang đá được tận dụng làm hầm trú ẩn và phòng khám.Ảnh: Author Thomas Bill Hardt
Những chiếc hầm khá hữu ích trong việc giúp người dân tránh được bom đạn rơi, song trong nhiều trường hợp vẫn không thể chống lại được sức ép của bom rơi đạn nỗ, gây ra nhiều trường hợp thương tâm. Trong bài viết “Ký ức những 'Em bé Hà Nội' mùa đông 1972” của Hoàng Phương và Đức Hoàng, đã kể về những thân phận bi thương ấy:
“Trận bom trút xuống, một dải sau lưng phố Khâm Thiên đến Ô Chợ Dừa thành bình địa. Nhiều đứa trẻ kịp theo gia đình sơ tán về các vùng quê, nhưng nhiều đứa trẻ đã không kịp đi trong đêm đông ấy. Anh Lễ ở ngõ chợ Khâm Thiên mới lấy vợ chiều 25/12. Đêm 26 bom rơi trúng ngay nóc hầm có cô dâu mới đang trú ẩn. Nhà ông Cầu, ngõ Sân Quần có hai người chết. Lúc bom rơi, ông Cầu đang trực chiến ở Hàng Bồ. Cái hầm tập thể 40 người trú ẩn tan tác dưới bom, trở thành cái hồ to nhất trong ngót chục hố ở ngõ này: Vợ ông Cầu còn nửa thân người bị bắn lên miệng hố. Thằng bé Hùng con trai ông 11 tuổi chỉ còn cái chân thâm tím lấm đầy bùn đất. Ông nhận ra con từ vết sẹo bỏng. Ông Cầu chỉ khóc, rồi nhặt nhạnh phần thi thể của hai mẹ con cho vào chung một quan tài, chôn dưới Văn Điển”.
Hàng năm, những căn hầm bí mật dưới lòng đất được hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ dần dần được hé lộ. Nhiều câu chuyện lịch sử, kỷ niệm của thời kỳ cam go đang lùi vào quá khứ được các nhân chứng khơi gợi để trở thành câu chuyện hấp dẫn cho thế hệ trẻ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản Việt Nam nhận định:
Hầm có 4 giá trị nổi bật. Thứ nhất, hầm là một di tích quan trọng, một mình chứng của lịch sử. Tiếp nữa đây là nơi ẩn chứa nhiều thông tin có giá trị của di sản ký ức, di sản phi vật thể. Bên cạnh đó, hầm còn là môi trường trải nghiệm thú vị. Một số hầm quan trọng trên thể giới trong chiến tranh thế giới thứ 2 đã được giữ lại là di tích hay bảo tàng. Những người làm bảo tàng đã thể hiện rất rõ những giá trị trên của di tích thông qua việc trưng bày giới thiệu nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách ”.