Khi tới tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, khách tham quan sẽ có những trải nghiệm mang nhiều cung bậc cảm xúc tại khu vực trưng bày về chế độ lao tù mang hình hài một chiếc container được đặt ở ngoài trời – mô phỏng một mô hình giam giữ những người Việt Nam yêu nước đã từng được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh.
Bước qua khung cửa sắt mô phỏng container, khách tham quan sẽ thấy được những hình ảnh, hiện vật về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh xâm lược của Mỹ thông qua các màn hình cảm ứng hiện đại để du khách có thể truy cập và tìm hiểu sâu hơn thông tin trưng bày.
Thông tin chuyển tải trong màn hình chạm rất phong phú, bố cục khoa học, thiết kế bắt mắt kèm hiệu ứng chuyển động giúp tăng tính hứng thú dành cho khách. Đây cũng được xem là “kho tư liệu” mini được lưu trữ trong trưng bày để khách không nhàm chán khi tra cứu, tìm hiểu thông tin.
Du khách có thể bất ngờ khi thấy những thông tin về Khám Chí Hòa xưa, một nhà tù lớn ở ngay trung tâm thành phố Sài Gòn nhưng lại có những chế độ giam cầm tù nhân vô cùng hà khắc. Càng sửng sốt, xót xa hơn khi biết rằng trong chiến tranh có hẳn một nhà tù để giam cầm thiếu nhi – những trẻ vị thành niên nhưng mang một lòng yêu nước tham gia các hoạt động chống xâm lược cũng đã bị bắt, tù đày, tra tấn rất dã man. Cũng có lúc, du khách sẽ lắng lòng khi nhìn thấy những hiện vật thấm đẫm tình yêu thời chiến của các tù nhân như chiếc khăn quàng cổ của nữ tù Nguyễn Thị Quế đan tặng cho chồng của mình là tử tù Phạm Quang Hồng trong thời gian bị giam cầm tại khám Chí Hòa, đuôi của chiếc khăn khi thắt lại là hai quả tim quyện chặt vào nhau.
Càng đi sâu trong khu vực trưng bày, không gian càng tối hơn, không gian hẹp dần để du khách cảm nhận được sự ngột ngạt, nóng bức vào mùa hè và lạnh lẽo vào mùa đông của các nhà tù thời xưa. Xen lẫn vào đó là âm thanh tiếng rên la của tù nhân, tiếng đàn áp, tra tấn của cai ngục qua màn hình phim 3D. Đến cuối của “container”, không gian thắt lại, hoàn toàn không có ánh sáng. Du khách bước qua một khe hẹp và bất ngờ thảng thốt như bước vào những gian “chuồng cọp” – địa ngục trần gian thực sự xưa kia.
Khu vực mô phỏng hoàn toàn được thực hiện bằng hình chiếu 3D – tạo hiệu ứng sinh động và chân thật cho du khách cả về mặt hình ảnh và âm thanh. Đây không phải là những hình ảnh 3D tạo ra bằng loại công nghệ trình chiếu hiện đại trên thế giới – mà là một bí mật rất đơn giản, tiết kiệm mà lại hiệu quả được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và công ty Tùng Việt phối hợp thực hiện. Bí mật đó như thế nào? Xin mời bạn đến để trực tiếp trải nghiệm nhé!
Còn bây giờ, xin mời bạn trải nghiệm một tour tham quan trực tuyến qua đoạn phim về chuyên đề trưng bày này đã được phát sóng trong chương trình "Sắc màu thành phố" trên HTV nhé!