PHẦN 1: SẴN SÀNG CHO CHIẾN DỊCH

Trong 30 năm kháng chiến giành độc lập tự do cho đất nước (1945 - 1975), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến hành trên 100 chiến dịch. Từ chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947 đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 kết thúc thắng lợi, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam được phát triển ở một tầm cao mới đó là nghệ thuật của chiến tranh nhân dân được tổ chức trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Quang cảnh Hội nghị Paris ngày 27/01/1973. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Sau những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, đặc biệt là thất bại trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối năm 1972 của Mỹ ở miền Bắc, chính phủ Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ngày 27/01/1973, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi Hiệp định còn chưa ráo mực, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ra sức phá hoại những thỏa ước, thực hiện kế hoạch “lấn chiếm, bình định” bằng thủ đoạn “tràn ngập lãnh thổ”, ra sức đàn áp các lực lượng chính trị yêu nước, chống hòa hợp hòa giải dân tộc, vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Paris.

Tổng thống Mỹ Nixon tiếp Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa (tháng 4/1973) tại San Clemente, California, hứa viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa 2,27 tỷ đô la, 1.100 xe tăng, xe bọc thép, 800 đại bác, 700 máy bay, 200 tàu chiến. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương, khóa III (10/1973) họp, ra nghị quyết nêu rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Tháng 10/1974, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng... Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975 - 1976”. Đầu tháng 01/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân Việt Nam đã thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, mở các chiến dịch tiến công chiến lược giành toàn thắng như: chiến dịch Tây Nguyên; chiến dịch Trị Thiên – Huế; chiến dịch Huế -  Đà Nẵng và những thắng lợi trong các chiến dịch đã đưa các binh đoàn chủ lực áp sát Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã họp và nhận định: “Cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi vô cùng to lớn, đã đánh dấu bước trưởng thành mới và toàn diện của Quân đội Nhân dân Việt Nam, các đơn vị bộ đội chủ lực tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, về chỉ huy tác chiến và về kết hợp binh chủng trong các chiến dịch có quy mô lớn tiêu diệt”. Thực tế đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu người; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của đối phương đã chín muồi vì vậy cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975. Trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31/3/1975 đã nhất trí nhận định ta hơn hẳn đối phương cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn ngụy sụp đổ và đánh giá từ cuộc họp, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt”. Tại cuộc họp ngày 08/4/1975 ở căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ Chính trị khẳng định: cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu, thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm, quyết tâm giải phóng miền Nam. Do đó, cần tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng các đồng chí Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau

 

Ban đầu, chiến dịch mang tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định nhưng sau đó, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đồng ý đổi tên Chiến dịch Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký chỉ thị của Quân ủy Trung ương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh; Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh và Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh; chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn . Lúc này, lực lượng giải phóng quân hơn hẳn đối phương cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Xác định thời cơ đã đến, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng tiến công trong thời gian sớm nhất. Tốt nhất kết thúc trong tháng 4/1975. Phải hành động “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. 

Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 07/4/1975. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

 

Cũng trong ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân đối phương, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố. Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở vòng ngoài, không cho đối phương co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.

Từ ngày 05/4 - 26/4/1975, để vận chuyển các đơn vị chiến lược vào Đông Nam Bộ, hơn 7.064 xe ô tô (có 3.364 xe của Tổng cục hậu cần và Bộ Tư lệnh Trường Sơn), 32 tàu biển của hải quân, 311 toa tàu hỏa... được huy động vận chuyển lực lượng và binh khí kỹ thuật vào Nam Bộ. Việc điều chỉnh lực lượng, thế bố trí và bổ sung vật chất cho tác chiến được gấp rút hoàn thiện: Điều thêm ra phía trước 10.000 người, 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị có khả năng thu dung 10.000 thương binh; thành lập 8 tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp và làm đường. Để kịp bổ sung 20.000 tấn vật chất còn thiếu (chủ yếu là đạn pháo lớn và xăng dầu), Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo thu gom từ miền Trung, Tây Nguyên, tuyến Trường Sơn được 5.100 tấn đạn, 600 tấn xăng dầu và chỉ đạo Hậu cần các đơn vị mang theo hành quân 5.000 tấn đạn, 1.500 tấn xăng dầu. Nhờ đó, chiến dịch Hồ Chí Minh đã có dự trữ 55.000 tấn vật chất các loại, đạt 90% nhu cầu tác chiến.

Để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh cho toàn bộ lực lượng quân sự và dân sự Mỹ rời khỏi Nam Việt Nam. 81 máy bay lên thẳng được huy động cho chiến dịch di tản mang tên “Gió thường xuyên”.  Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Biện Thu Ngần

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại