Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng hầu hết các loại vũ khí tân tiến, bao gồm các loại vũ khí như súng trường, súng ngắn, súng cối, vũ khí chống tăng, vũ khí phòng không, vũ khí hóa học, các loại xe bọc thép, pháo tự hành, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom,… Trong số đó, Chinook CH-47 (CH-47)  là loại trực thăng hữu hiệu để vận tải hàng hóa, binh lính cũng như khí tài hạng nặng trên chiến trường Việt Nam vốn có hệ thống giao thông đường bộ hạn chế thời bấy giờ.

“Quái vật bầu trời” CH-47 là máy bay trực thăng vận tải hạng nặng 2 động cơ cánh quạt do Boeing Intergrated Defense Systems thiết kế và chế tạo vào năm 1962. Đến 2/1966, 161 chiếc Chinook đã được bàn giao cho quân đội Hoa Kỳ. Năm 1965, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Hoa Kỳ sang tham chiến tại Việt Nam đã biên chế 1 tiểu đoàn máy bay Chinook đóng vai trò chuyển quân, chở pháo, xe thiết giáp và các loại trang thiết bị quân sự ra chiến trường.

Chiếc máy bay Chinook CH-47 được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Tại chiến trường Việt Nam, CH-47 thường được trang bị 2 khẩu súng 6 nòng xoay M134 và một khẩu súng máy M60 7.62 mm. CH-47 là một trong những trực thăng nhanh nhất của quân đội Hoa Kỳ với tốc độ tối đa lên tới khoảng 298km/h, bán kính hoạt động 370km, tầm bay cao nhất 6.500m với vận tốc lên cao 995m/phút.

Trực thăng CH-47A "Chinook" của Sư đoàn kỵ binh bay số 1, trong chiến dịch đẩy lùi gần Pleiku, Việt Nam – Ngày 20/01/1966.

Nguồn: Printerest

 

Một trong những nhiệm vụ chính của CH-47 là cung cấp các khẩu pháo cho các cao điểm.

Nguồn: Printerest

Trực thăng Chinook có khả năng chở tối đa từ 33 đến 55 binh lính hoặc kiện hàng có trọng lượng tối đa 10,8 tấn. Điểm cơ động của loại trực thăng này là khả năng đổ hàng, đổ quân một cách dễ dàng không cần hạ cánh nên một trong những nhiệm vụ quan trọng của CH-47 là vận chuyển pháo lên các cao điểm và đảm bảo khí tài, đạn dược cho các khẩu pháo này. Ngoài ra, CH-47 còn được sử dụng làm phương tiện cứu hộ trên không, có thể cẩu được hai chiếc máy bay UH-1. Trong chiến tranh Việt Nam, đỉnh cao vào năm 1969, 22 đơn vị Chinook hoạt động với tổng cộng 750 chiếc đã được Hoa Kỳ đưa vào sử dụng, trong số đó, có khoảng 200 chiếc đã vĩnh viễn nằm lại.

 

Sikorsky CH-54 Tahre là máy bay lên thẳng vận tải hạng nặng của quân đội Hoa Kỳ do tập đoàn Sikorsky sản xuất. Quá trình nghiên cứu chế tạo loại máy bay này được bắt đầu từ năm 1958, đến năm 1962 thì CH-54 hoàn thành. Loại trực thăng này ra đời đúng lúc học thuyết chiến tranh đường không (Airbone Warface) ra đời, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, tiếp ứng trực tiếp cho bộ binh trên chiến trường với khả năng vận tải lên tới 9 tấn hàng hóa và có thể “biến” thành nhiều phiên bản khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Chính vì thế, CH-54 được gọi vui là “Người khổng lồ xanh vui tính” hay “Cần cẩu bay”.

 

Từ cuối thập niên 60, Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu đưa CH-54 vào sử dụng trên chiến trường Việt Nam và được sử dụng rộng rãi như một loại phương tiện vận tải hàng hóa quá khổ trên chiến trường. Tổ lái của CH-54 gồm 5 người với tốc độ tối đa chỉ 240km/h và tốc độ hành trình thậm chí còn ngắn hơn chỉ khoảng 185km/h và tầm hoạt động tối đa khoảng 340km. CH-54 sải cánh rộng tới 27m với 6 lá cánh quạt, có thể cất cánh với trọng tải tối đa khoảng 17 tấn, trong khi trọng lượng rỗng của nó chỉ 7,8 tấn. Mặc dù nổi bật với tính năng lấy độ cao cực nhanh, và hiện nay vẫn đang giữ kỉ lục lấy độ cao nhanh nhất từ 3.000m lên 6.000m và 9.000m, nhưng CH-54 có thân to, chở nặng, tốc độ chậm, độ cơ động kém và không bay được xa.

Những hình ảnh này được ghi lại tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nha Trang vào 4/1967, khi một chiếc trực thăng CH-54 Tarhe được lắp ráp ngay trong điều kiện dã chiến.

Nguồn: An ninh thủ đô

Thiết kế độc đáo của CH-54 với thiết kế càng cua, khoang bụng tách rời giúp CH-54 có độ linh hoạt rất cao. Hệ thống giá treo cho phép máy bay cẩu những hàng hóa quá khổ ở phía dưới chứ không đưa vào khoang như các loại máy bay khác. Trong khi những trực thăng UH-1, CH-47 được mang nguyên khối sang Việt Nam, chỉ tháo cánh quạt cho gọn thì CH-54 lại chia thành 3 khúc, và có thể lắp ráp dã chiến. Phần đuôi nối với động cơ, cabin điều khiển cùng cánh quạt CH-54 được tách rời để tiện cho “nạp” vào bụng các loại máy bay vận tải, hàng hóa cỡ lớn.

Phiên bản trực thăng vận tải hạng nặng của Lục quân Hoa Kỳ được gắn một chiếc “xe bus” ở bụng, chứa được khoảng 40 binh lính cùng đầy đủ trang thiết bị.

Nguồn: kienthuc.net

 

Sikorsky CH-54 Tarhe nâng một chiếc CH-46 tại Việt Nam, ngày 22/ 2/1969.

Nguồn: Printerest

Nhiệm vụ chủ yếu của CH-54 ở Việt Nam là vận chuyển các loại trực thăng cỡ lớn bị bắn hạ, phải hạ cánh khẩn cấp, gắn khung cho CH-54 có khả năng ném bom, và vận chuyển các loại quân trang, quân dụng với khối lượng lớn tiếp ứng cho bộ binh. Tuy nhiên, với độ cơ không cao, hoạt động của CH-54 trên chiến trường Việt Nam không mấy hiệu quả. Từ năm 1991, CH-54 được chuyển sang làm nhiệm vụ dân sự, vận chuyển hàng hóa bằng đường không.

Ngày 07/ 4 /1968, Khe Sanh, Việt Nam --- Một máy bay trực thăng thuộc Sư đoàn Kỵ binh Dù đầu tiên của Hoa Kỳ sửa chữa một cây cầu bị phá hủy ở Khe Sanh để vượt biên như một phần của Chiến dịch Pegasus trong Chiến tranh Việt Nam.

Nguồn: Printerest 

 

Một chiếc trực thăng CH-54 từ Sư đoàn kỵ binh bay số 1 mang theo nhu yếu phẩm đến bãi đáp Laramie tại An Khê, Việt Nam.

Nguồn: Printerest